Lê Kiếm Sơn, người chuyên phá án ma túy "khủng"
Vì tính chất nghề nghiệp, hình ảnh thực của anh không được phép xuất hiện công khai. Đây là một trong chuyên án đại úy Sơn thực hiện (ảnh: BP cung cấp) |
Hạ đo ván” nhiều tội phạm sừng sỏ
Vào nghề trinh sát đặc nhiệm chống tội phạm ma túy chưa đầy 3 năm, đại úy Lê Kiếm Sơn (Phó đội trưởng Đội đặc nhiệm, phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã lập hàng loạt chiến công lớn, trở thành khắc tinh của những tên tội phạm ma túy khét tiếng và các đối tượng hình sự. Mới đây, anh được vinh danh 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương.
Với tính chất nghề nghiệp, đại úy Sơn thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng với bản lĩnh của mình cùng gan dạ, thông minh, nhạy bén, lại tinh thông võ thuật, anh đã lần lượt “hạ đo ván” nhiều tội phạm sừng sỏ.
Những chuyên án giáp mặt với tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng nổ súng bắn trả lực lượng biên phòng qua lời kể của anh nhẹ tựa lông hồng.Đó là chuyên án ma túy 469 LV anh và đồng đội phá thành công tại Lào, thu giữ 91 bánh heroin, gần 36 nghìn viên ma tuý tổng hợp, bắt giữ tên trùm đầu sỏ ma túy người Thái Lan.
Thời điểm đó, 6h sáng ngày 3/1/2016 tại một khu rừng thuộc địa phận Lào, khi 4 chiếc ô tô chở các đối tượng buôn bán ma tuý người Thái Lan, Lào và Việt Nam lọt vào khu vực phục kích của các tổ trinh sát, hiệu lệnh tấn công được Ban chỉ đạo chuyên án 469 LV của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát ra. Từ mọi hướng, các chiến sĩ biên phòng đồng loạt xông tới. Quá bất ngờ, 5 tên tội phạm ma tuý sừng sỏ đành thất thủ, không kịp chống cự hay chạy trốn…
Để phá thành công chuyên án, lực lượng đánh án chia thành 6 tổ, trong đó 3 tổ bao vây khu vực đối tượng sẽ tập kết ma túy, 2 tổ bao vây chốt chặn bên ngoài và 1 tổ cơ động. Các tổ ngụy trang thành dân đi rừng, tách ra từng nhóm nhỏ lần lượt tiếp cận các vị trí được phân công và tuyệt đối bí mật.
“Để nhớ mọi ngóc ngách đi lại trong một khu rừng, quả thật rất khó. Tôi và đồng đội phải học thuộc đường đi lối lại của địa bàn đối tượng thường hoạt động và luôn đặt tình huống xấu nhất để có lối thoát khi gặp nạn. Nhờ thế mọi chuyên án mà biên phòng thực hiện đều thành công” - Đại úy Sơn chia sẻ.
Dù tham gia hàng trăm chuyên án phòng chống tội phạm buôn lậu, ma túy nhưng kỷ niệm về chuyên án đầu tiên anh tham gia vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất. Cuối năm 2014 anh được tham gia bóc gỡ đường dây buôn bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc.
“Lần đó, tôi cùng đồng đội phải vượt quãng đường gần 1.000 km ra biên giới Quảng Ninh phục bắt Đặng Xuân Hùng (SN 1990, trú huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Phát hiện Hùng đang lén lút đưa 4 người vượt biên sang đất Trung Quốc, tôi khéo léo tiếp cận rồi trực tiếp khống chế, bắt quả tang đối tượng này” – anh Sơn nhớ lại.
Chia sẻ về những lần đánh án, đại úy Sơn cho biết: "Trước khi tham gia bất kỳ một chuyên án nào, trong tôi luôn ghi nhớ lời dạy của thủ trưởng Võ Trọng Hải, phải giữ an toàn bản thân, phối hợp tốt nhất với đồng đội để phá án thành công. Luôn vận dụng mọi giác quan một cách tinh anh để đối phó mọi bước chuyển của tội phạm".
Không chỉ có duyên đánh án ma tuý, đại úy Lê Kiếm Sơn còn là khắc tinh của nhiều loại tội phạm khác như buôn bán vật liệu nổ, mua bán người, pháo nổ. Điển hình như vào tháng 6/2015, anh trực tiếp chỉ huy một tổ đánh án bắt gọn đối tượng Nguyễn Quốc Hải (SN 1983, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang vận chuyển 80kg thuốc nổ, 800 kíp nổ, 200 mét dây cháy chậm…
“Vợ tôi đã quen với việc chồng mất tích không lý do”
Bản lĩnh trong đánh án là vậy, nhưng chàng trinh sát đặc nhiệm biên phòng thiện chiến này cũng trải lòng về “hậu phương” của mình. Tuy bố, mẹ, vợ, con và bạn bè thân thiết không khuyên anh chuyển sang lĩnh vực công tác khác nhưng anh biết mọi người luôn lo lắng cho mình. Để gia đình khỏi lo lắng, anh luôn buộc mình phải nói dối, anh gọi đó là “nói dối như cơm bữa”.
Đi làm, đi chơi với anh thật khó xác định, “chơi như làm, làm như chơi”. Đôi lúc đi làm, vợ có gọi thì bảo anh đang ngồi uống cafe với bạn. Đi đánh án ở tận nước ngoài, nói dối vợ con là anh đi tập huấn. Thậm chí, có lúc máy nằm ngoài vùng phủ sóng cả tuần liền. "Với vợ tôi, cô ấy đã quen với việc tôi “mất tích” không lý do" – anh Sơn tâm sự.
Sơn không ngần ngại dẫn chúng tôi vào phòng làm việc và chỉ tay vào chiếc balo dựng góc tường mà rằng: "Chị nhìn xem, balo, trang phục luôn có sẵn, chỉ cần có lệnh là lên đường. Nghề của tôi là vậy. Đi lặng lẽ, về lặng lẽ".
Sơn kể một câu chuyện khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Có lần tôi đi đánh án ở Lào, Thái Lan cả tháng trời, không để lại tin nhắn. Đến ngày về, thấy chồng, cô lao tới ôm chồng, bảo rằng em cứ nghĩ anh “chết” rồi!”.
Đại tá Phạm Hữu Lam - Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Sơn là một sĩ quan trẻ, năng nổ, xông xáo, nhiệt tình, ham học hỏi, gan dạ, mưu trí. Công việc đã giao là làm và hoàn thành rất xuất sắc. Chúng tôi rất yên tâm khi giao bất kỳ nhiệm vụ nào cho đồng chí. Với gia đình thì bất kỳ chiến sĩ đặc nhiệm nào cũng phải chịu thiệt thòi. Nhưng đó cũng là cách để bảo vệ chính gia đình, người thân của mình”.