Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản
Thủ tướng Shinzo Abe mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội danh dự. Nguồn: VGP/ Quang Hiếu |
Thủ tướng Shinzo Abe mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội danh dự. Đến vị trí quốc kỳ, hai Thủ tướng nghiêng mình chào Quốc kỳ Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục duyệt đội danh dự và quay trở lại lễ đài.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản. Nguồn: VGP |
Sau lễ đón, hai Thủ tướng bắt đầu cuộc hội đàm để trao đổi những vấn đề hợp tác song phương cũng như hợp tác quốc tế và chứng kiến hai bên trao đổi các văn kiện hợp tác. Sau đó, hai Thủ tướng sẽ có cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo kết quả hội đàm.
Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản. Nguồn: VGP |
Trước đó, hôm 7/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Thủ đô Tokyo, Nhật Bản để tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản.
Tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.
Tham gia Đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chiều 7/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo. Ðón Thủ tướng, Phu nhân và Ðoàn tại sân bay, về phía Nhật Bản, có Thứ trưởng Nghị sĩ Quốc hội N.Suzuki, Ðại sứ Nhật Bản tại Việt Nam C.Umeda; về phía Việt Nam, có Ðại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường và Phu nhân cùng cán bộ, nhân viên Ðại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quốc tế Haneda, Tokyo. Ảnh: TTXVN/ Thống Nhất |
Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Mekong, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng, nhất là cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản. Ngay từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành, Việt Nam đã thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, năng động và tích cực.
Với quyết tâm cao từ phía Nhật Bản và các nước tiểu vùng Mekong, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 được kỳ vọng sẽ tạo một dấu mốc mới trong hợp tác Mekong – Nhật Bản với việc thông qua “Chiến lược hợp tác Tokyo 2018” định hướng cho hợp tác Mekong – Nhật Bản giai đoạn 2019 – 2021. Đồng thời, Hội nghị sẽ đánh giá lại những bài học kinh nghiệm từ quá trình 10 năm hợp tác và những cơ hội, thách thức của hợp tác Mekong – Nhật Bản trong giai đoạn mới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ thăm Nhật Bản. Chuyến thăm đặc biệt diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển với nội dung hợp tác ngày càng sâu rộng.
Tháng 4/2002, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến Việt Nam, hai nước đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Đến tháng 4/2009, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đến tháng 3/2014, nâng cấp lên mức “đối tác chiến lược toàn diện,” đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Để khẳng định sự phát triển chiều sâu của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Tuyên bố tầm nhìn chung nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tokyo hồi tháng 9/2015 đã đánh giá cao “sự phát triển toàn diện và thực chất của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.”
Hiện hai nước duy trì một số cơ chế đối thoại hiệu quả như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng (cấp Thứ trưởng ngoại giao, từ năm 2010); Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp thứ trưởng (từ tháng 11/2012); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013)...
Về lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).