Lập Ban chỉ đạo phối hợp triển khai Hiến pháp
TVQH đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phối hợp, đôn đốc, thực hiện Hiến pháp |
Cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam sáng 24/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu 3 vấn đề trọng tâm khi Hiến pháp bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014. Trong đó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Có cần thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp thực hiện không?" Đồng thời ông khẳng định “không để Hiến pháp có hiệu lực mà không triển khai”.
Trước đề nghị trên, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng, từ trước đến nay chúng ta không có Ban chỉ đạo về Hiến pháp, vì đây là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân. Ông cho rằng, có Ban chỉ đạo cũng tốt để theo dõi đôn đốc nhưng không biết bao giờ ban này kết thúc, tổ chức bộ máy ra sao, quan hệ bộ máy này với các cơ quan khác thế nào...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ban này không phải thành lập để thi hành Hiến pháp, mà là chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giúp TVQH triển khai kế hoạch. Ban chỉ đạo có thể gồm 5 – 6 thành phần là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm UBPL, Viện trưởng VKS, VPQH… do Ban Pháp luật làm đầu mối chính.
Đồng tình với chủ trương thành lập, theo Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển, Ban này sẽ có nhiệm vụ điều phối, đôn đốc để triển khai kế hoạch hiệu quả hơn và sẽ do UBTVQH thành lập.
Có cùng quan điểm trên song về bộ máy tổ chức, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thành phần quan trọng của Ban chỉ đạo phải có Ban tuyên giáo Trung ương, vì sẽ giúp mang lại nhiều thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thành phần Ban chỉ đạo sẽ do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người được giao phụ trách luật pháp phụ trách. Ngoài ra Ban chỉ đạo còn có đại diện Chính phủ, có thể là một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch MTTQ, VPQH, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngoài ra bà Phóng cũng băn khoăn, không biết có nên để Ban Nội chính Trung ương tham gia không.
Ban Chỉ đạo sẽ do Chủ tịch Quốc hội quyết định. Đối với thành phần giúp việc nên có một số đồng chí đã được tuyển chọn, có kinh nghiệm, giúp rà soát các luật sẽ được sửa trong thời gian tới (gọi là Ban biên tập giúp việc cho Ban chỉ đạo).
Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, thành lập Ban chỉ đạo sẽ liên quan đến vấn đề tổ chức. Ở tầm cỡ quốc gia cũng cần thiết có một Ban nhưng ông Phước đặt vấn đề: Ban này cho ai? Của TVQH hay của Quốc hội? Ông đề nghị chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư xem có phù hợp không.
Cùng đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, Ban này sẽ tổ chức thi hành Hiến pháp và là Ban tham mưu của UBTVQH, giúp theo dõi thực hiện nhiệm vụ này. Bà Doan cũng đề nghị việc thành lập Ban này phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đảm báo tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.