Lao động ngắn hạn sẽ được đóng bảo hiểm?
Nhiều ĐBQH đồng tình với chủ trương mở rộng đối tượng, đóng BHXH cho người lao động có hợp đồng ngắn hạn từ 1 - 3 tháng (Ảnh minh họa) |
Thảo luận về Luật BHXH sửa đổi chiều 10/9, nhiều ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách đã ủng hộ phương án đóng BH cho cả người lao động có hợp đồng ngắn hạn. Nguyên nhân được ĐBQH đưa ra là quy định này sẽ làm tăng số lượng người tham gia. Ngoài ra nếu những đối tượng này không được đóng BHXH sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho người lao động.
Tuy nhiên để tăng tính hiệu quả từ chủ trương này thì phải có thời gian tập sự, xem người lao động đó có phù hợp và có khả năng làm được việc hay không. Theo tính toán của ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), việc mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 24 triệu người tham gia.
Ngoài lao động ngắn hạn, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc mở rộng đóng BHXH cho các đối tượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường. Trong trường hợp khó khăn thì nhà nước có thể hỗ trợ một phần nào đó.
“Lý do gì mà sử dụng lao động 3 tháng thì đóng BHXH mà cán bộ cấp xã lại không được đóng? Cử tri thắc mắc, tôi không lý giải được điều này” – Trương Minh Hoàng bày tỏ.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, nếu quy định đóng BH cho lao động hợp đồng từ 1 – 3 tháng thì sẽ có thêm 6 triệu người tham gia.
Việc mở rộng đối tượng sẽ giúp chúng ta đạt mục tiêu đến năm 2020 có 24 triệu người tham gia, trong đó 20 triệu người đóng BH bắt buộc, 4 triệu người tự nguyện. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 5 nghìn tỷ trong giai đoạn từ năm 2016 -2020, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng cho phép.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sửa luật này cần phải giữ nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, không đóng thì không hưởng.
Liên quan đến đề xuất đóng BH cho cán bộ cấp xã phường, theo Chủ tịch Quốc hội có thể tiến hành theo phương án hỗ trợ 10% cho lực lượng này, nhưng không thể hỗ trợ 18% như cán bộ bình thường được. Nếu cứ làm dồn dập thì không được, gấp cũng không được và phải sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Ví dụ khi tôi về hưu sẽ được hưởng 75% lương trong 5 năm. Nhưng người kế nhiệm tôi, 5 năm sau cũng về hưu lại chỉ được hưởng 65%. Như thế là rất thiệt thòi” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Cuối buổi làm việc, chủ trì phiên họp – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đưa ra kết luận: Việc sửa luật BHXH phải đảm bảo an toàn quỹ trên cơ sở thu đủ, có chia sẻ trước sau và phù hợp với điều kiện thực tế. Quản lý quỹ có sinh lời nhưng phải báo cáo Quốc hội và phải được thanh tra, kiểm toán hàng năm.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng, việc mở rộng đối tượng đóng BHXH cho người lao động được dư luận và người lao động rất hoan nghênh đồng tình. Tuy nhiên chủ trương này cũng cần phải đảm bảo tính khả thi, nâng cao vài trò của cơ quan quản lý nhà nước. Còn việc bổ sung, hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường 10% theo phương án Chính phủ trình cũng là một sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh tình hình thực tế hiện nay.
“Chúng ta phải thực hiện có lộ trình, từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng phải theo hướng việc gì có lợi cho người lao động thì hết sức làm” – Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.