Lãnh đạo TP.HCM tiếp đoàn đại biểu Phật giáo Thái Lan
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng tranh cho Hòa thượng Phra Promwachirayan. Ảnh: TTXVN |
Thay mặt lãnh đạo thành phố, bà Võ Thị Dung đã chào mừng chuyến thăm của đoàn và gửi lời cảm ơn đến các thành viên đã dành thời gian câu siêu, cầu nguyện cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bà cũng gửi lời tri ân đến Giáo hội Phật giáo Thái Lan, các thế hệ Hòa thượng trụ trì chùa Việt Nam ở Thái Lan đã chăm lo đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng cho các Phật tử kiều bào Việt Nam tại Thái Lan.
Tại buổi gặp, Phó bí thư Thành ủy đã giới thiệu với đoàn về tình hình Phật giáo tại thành phố. Bà cho biết thành phố hiện có khoảng 3 triệu Phật tử, 1.300 ngôi chùa, trong đó có 20 ngôi chùa Nam Tông.
Lãnh đạo thành phố luôn tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo thành phố, bà con Phật tử được tự do hành đạo, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước và giáo luật Phật giáo. Trong khi đó các phật tử cũng rất tích cực tham gia các chương trình an ninh xã hội, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Đáp lại, thay mặt Hội đồng Tăng già Phật giáo Thái Lan và Hội đồng Tăng già An Nam tông Thái Lan, Hòa thượng Phra Promwachirayan cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho chuyến thăm của đoàn Giáo hội Phật giáo Thái Lan tại Việt Nam.
Hòa thượng Phra Promwachirayan cũng tỏ lòng cảm ơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành với Phật giáo Thái Lan trong các hoạt động Phật sự, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Hòa thượng khẳng định dù có một số khác biệt tín ngưỡng, văn hóa, nhưng bằng tấm lòng từ bi, trí tuệ, Phật giáo hai nước vẫn có thể hợp tác phát triển tình hữu nghị bền vững, cùng nhau kế thừa truyền thống, truyền bá Phật giáo, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đưa Phật giáo ngày càng phát triển trên cơ sở sự đa dạng văn hóa, tôn trọng giáo luật.
Theo hoà thượng Phra Promwachirayan, mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thái Lan đã có từ lâu. Trên cơ sở đó, Hoà thượng tin rằng tình hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam và Thái Lan, cũng như quan hệ hợp tác của hai đất nước ngày càng phát triển.
Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện tại Thái Lan từ thế kỷ 18 và đến nay có 21 ngôi chùa An Nam tông (Annamnikaya), hay còn gọi là Việt tông, của người Việt trên đất Thái. Đây trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng hơn 100.000 người Việt Nam tại Thái Lan, là biểu tượng gắn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Một nghiên cứu trên báo Giác Ngộ đã nhận định rằng: An Nam tông Thái Lan là một dấu ấn rõ nét của việc truyền tông ra nước ngoài của nền Phật giáo Việt. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, và đôi khi vắng bóng hoàn toàn sự hiện diện của sư Việt trên đất Thái nhưng mạng mạch Phật pháp của tông phái vẫn được duy trì và phát triển do những đệ tử xuất gia và tại gia người Thái và Thái - Hoa kế tục hơn 230 năm qua. Linh hồn của Phật giáo Việt tồn đọng ầm thầm qua nhị thời khóa tụng bằng âm Hán-Việt, qua những bái tán “dương chi tịnh thủy, hải chấn triều âm” hay khoa chẩn tế cô hồn mang đậm truyền thống dân tộc Việt: giản dị mà kiên cường. Lâm Tế Trí Bản (Đàng Ngoài) và Tào Động Thọ Xương (Miền Trung) đã kế tục xuất sắc hai dòng thiền phái của Phật giáo Đại thừa Việt Nam khi truyền sang xứ sở của Phật giáo Nam truyền tạo nên một nền Phật giáo Việt giàu khả năng thích ứng và bản sắc.
Từ năm 2017, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình Đoàn Giáo hội Phật giáo Thái Lan, Phật giáo phái Việt tông Thái Lan và đại diện Phật tử kiều bào Thái Lan về thăm quê hương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu Việt Nam - Thái Lan, tăng cường quan hệ giữa giáo hội Phật giáo hai nước; đồng thời tri ân các trụ trì chùa An Nam tông đã có công giữ gìn văn hoá phật giáo Việt Nam tại Thái Lan.
Năm nay, chương trình diễn ra từ ngày 30/9 đến 6/10 với sự tham gia của hơn 60 đại biểu, trong đó có hơn 40 đại biểu là trụ trì, chức sắc tại 21 ngôi chùa Việt tại Thái Lan. Đoàn sẽ đến thăm Kiên Giang và TPHCM.