Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì về việc dừng dự án bến du thuyền ở bờ Tây sông Hàn?
“Mình không giải thích được!”
Theo nguồn tin của Infonet, tại cuộc họp chiều 17/7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã đưa ra bàn thảo việc dừng dự án Khu dịch vụ du lịch bến du thuyền tại bờ Tây sông Hàn của Công ty TNHH I.V.C. (Infonet đã phản ảnh).
Theo đó, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng chủ trương tạm dừng dự án “do nằm ở vị trí nhạy cảm, dân tình có ý kiến, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ bố trí vị trí thích hợp, xem xét đền bù cho nhà đầu tư nếu có thiệt hại”.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều 17/7 đã có ý kiến cho rằng việc chỉ dừng dự án bến du thuyền của I.V.C. mà không dừng dự án bến du thuyền DHC (trong ảnh) bị dư luận phê phán quá phản cảm là "không thể giải thích được"! (Ảnh: HC) |
“Lãnh đạo Thành ủy cũng nêu rõ, TP rất quan tâm đến doanh nghiệp, muốn tạo điều kiện cho họ nhưng rõ ràng vị trí này bây giờ dư luận rất chú ý. Nếu dự án tại vị trí đó mà họ làm cách đây 5 – 7 năm như kế hoạch ban đầu thì nhiều khi không có vấn đề gì, nhưng trong thời điểm này mà tiếp tục xây một dự án như thế thì dư luận rất quan tâm nên tạm thời phải dừng lại để rà soát quy hoạch!” – nguồn tin nêu trên cho hay.
Một nguồn tin khác cho biết thêm, tại cuộc họp, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng nhận là chính quyền TP sai trong việc cấp phép, bây giờ phải dừng lại để đánh giá, coi có ảnh hưởng gì không… Một vị trong Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: “Đây là cái sai của chính quyền, cho thì cho, không cho thì không cho ngay từ đầu, chứ cách hành xử tiền hậu bất nhất khiến doanh nghiệp bức xúc!”.
“Chính quyền nhận sai thì bây giờ chính quyền xử lý như thế nào?” – chúng tôi đặt câu hỏi. Câu trả lời từ phía nguồn tin là: “Phiên họp chiều nay của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng không kết luận về dự án của I.V.C. mà chỉ nêu vấn đề ra thôi. Tinh thần là tạm ngưng chứ không có gì mới, sau khi xem xét nếu vị trí cũ vẫn tốt thì để cho nhà đầu tư làm tiếp, còn không tốt thì sẽ bồi thường thiệt hại. Nói chung chung thôi chứ cuộc họp này không phải để kết luận việc đó phải như thế nào!”.
Cũng theo nguồn tin này, tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều 17/7, có ý kiến đặt vấn đề: “Cần tạo điều kiện cho I.V.C. "rút trong danh dự" chứ đừng chèn ép mà người ta bức xúc. Người ta cứ nói hoài, với lý do rà soát quy hoạch, tại sao chỉ dừng dự án của I.V.C., còn dự án bến du thuyền của DHC ở bờ Đông sông Hàn bị dư luận chỉ trích là quá phản cảm lại không dừng, mình không giải thích được!”.
Tuy nhiên lời giải thích được đưa ra tại cuộc họp là dự án bến du thuyền của DHC làm gần xong rồi nên không dừng được!
Đeo bám dự án suốt 6 năm vì cái gì?
Trao đổi với Infonet về những ý kiến trên đây, ông Phan Minh Cương, Phó Tổng giám đốc Công ty I.V.C. nói: “Người ta được cấp 5 tầng thì xin lên 7 tầng, 9 tầng. Không có ai như chúng tôi, từ 5 tầng xin một hồi xuống 3 tầng, xin thêm một hồi nữa xuống còn tầng rưỡi. Và càng xin thì càng bị đẩy đi xa. Lúc đầu nằm trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DTVT), gần sát chân cầu Rồng, sau bị đẩy lùi lại 160m, tới trước Cục Hải quan Đà Nẵng. Vậy mà chúng tôi vẫn đeo bám dự án này suốt 6 năm là vì cái gì?”.
Ông Phan Minh Cương cho hay, cách đây hơn 6 năm, trong một dịp được gặp ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo Công ty I.V.C. đề xuất để tăng thêm sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng thì sông Hàn phải có du thuyền để dòng sông ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn và các nhà đầu tư, du khách quốc tế có chỗ tiêu tiền. Mà muốn có du thuyền thì phải có bến du thuyền, có chỗ cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn, ngồi uống ly nước ngắm cảnh sông nước...
Nghe ý kiến này, ông Nguyễn Bá Thanh về bàn với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Văn Minh. Sau đó, ông Trần Văn Minh cùng ông Nguyễn Ngọc Tuấn (lúc đó là Giám đốc Sở Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Chương (lúc đó là Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng), ông Lê Anh (lúc đó là Phó Chủ tịch, nay là Chủ tịch UBND quận Hải Châu) đi khảo sát tìm địa điểm lập bến du thuyền.
Sau khi xem xét các địa điểm phía trước Bảo tàng điêu khắc Chăm, cầu cảng Thuận Phước, bờ Đông sông Hàn đoạn gần cầu Rồng... thì vị trí được chọn là ở bờ Tây sông Hàn, trước DVTV do thuận lợi về giao thông, đặc biệt là đường Nguyễn Văn Linh nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến sông Hàn rất thuận tiện cho việc đón đưa du khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch bằng du thuyền.
Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau khi có Quyết định 4027/QĐ-UBND (ngày 29/5/2009) phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự án Khu dịch vụ du lịch bến du thuyền tại bờ Tây sông Hàn (trước DVTV), UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định thu hồi lại khu đất này do ảnh hưởng hành lang an toàn của cầu Rồng, đến tháng 11/2014 thì điều chỉnh lùi lại 160m, tới trước trụ sở Cục Hải quan Đà Nẵng.
Theo ông Phan Minh Cương, sau khi UBND TP Đà Nẵng có công văn 7977/UBND-QLĐT (ngày 23/12/2008) đồng ý chủ trương cho phép lập dự án đầu tư Khu dịch vụ du lịch bến du thuyền ở bờ Tây sông Hàn, Công ty I.V.C. đã trình phương án thiết kế gồm 5 tầng. Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải cắt bớt vì không phù hợp. “Ông Nguyễn Bá Thanh bảo chúng tôi thà cắt khi còn trên giấy còn hơn là đang làm mà bị cắt” – ông Phan Minh Cương kể.
Tháng 10/2012, Công ty I.V.C. trình phương án thiết kế mới gồm 3 tầng, được lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý về số tầng nhưng không đồng ý về kiểu dáng kiến trúc. Như Infonet đã đưa tin, tại buổi xem xét phương án thiết kế này, ông Nguyễn Bá Thanh nêu rõ, thiết kế công trình tại khu vực dự định đặt dự án của I.V.C. là chỗ khó nhất trên địa bàn TP. Bởi ở đây, ngoài cầu Rồng còn có Bảo tàng điêu khắc Chăm, cao ốc DVTV... Vì vậy phải thiết kế sao cho hài hoà, độ cao hợp lý.
"Không chỉ từ sông Hàn nhìn vào, đường Bạch Đằng nhìn ra mà đặc biệt là từ trên cầu Rồng nhìn xuống. Đây là nơi "quan trên trông xuống, người ta trông vào" nên phải hết sức cẩn thận. Làm cho đẹp thì làm, còn xấu đi thì dứt khoát không cho làm. Chỗ này phải hết sức cẩn thận, hết sức bình tĩnh để làm. Lơ mơ là phá vỡ toàn bộ cảnh quan khu vực chứ không đơn giản. Thứ ni làm rồi thì rất khó đập phá, nếu để xảy ra như "Hàm cá mập" như ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) thì không thể khắc phục nổi!" – ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Công ty I.V.C. lại phải thay đổi thiết kế, hạ xuống còn 1,5 tầng mới được tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đồng ý và tháng 11/2014 mới chính thức được cấp giấy phép xây dựng. “Do vậy, ý kiến nói rằng nếu I.V.C. làm cách đây 5 – 7 năm như kế hoạch ban đầu thì nhiều khi không có vấn đề gì là không thực tế. Chỉ có thể triển khai cách đây 5 – 7 năm nếu lúc đó ông Nguyễn Bá Thanh cho chúng tôi làm 5 tầng, nhưng ông không làm như vậy mà yêu cầu chúng tôi phải làm lại cho thật đẹp, thật hợp lý” – ông Phan Minh Cương nói.
Cũng theo ông Phan Minh Cương, dự án của I.V.C. do nước ngoài thiết kế. Mỗi lần thay đổi địa điểm, thay đổi tầng cao là mỗi lần phải thay đổi thiết kế, tốn kém chi phí rất nhiều. Và do hạ từ 5 tầng xuống còn một tầng rưỡi nên mục đích lợi nhuận của dự án cũng không còn. Tuy vậy I.V.C. vẫn quyết tâm theo đuổi dự án là vì muốn tạo nên một điểm nhấn đặc biệt trên sông Hàn như tâm nguyện của ông Nguyễn Bá Thanh.
Ai còn dám đến Đà Nẵng làm ăn nữa?
Lẽ ra sau khi nhận được giấy phép xây dựng, Công ty I.V.C. đã khởi công dự án vào đầu năm 2015, nhưng Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị lùi lại vì có cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, không thể ngăn vìa hè đường Bạch Đằng để thi công. Sau đó một thời gian, cũng Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu Công ty I.V.C. cam kết nếu qua 30/4 không triển khai dự án sẽ thu hồi giấy phép. Thế nhưng đến khi Công ty này bắt tay vào thi công dự án thì lại bị lãnh đạo TP Đà Nẵng đột ngột yêu cầu tạm dừng và thu hồi luôn giấy phép xây dựng.
Theo ông Phan Minh Cương, điều này gây thiệt hại rất lớn cho Công ty I.V.C. vì ngoài thiết kế phí thì vật tư đã nhập về, máy móc, thiết bị đã tập kết, đã chuyển khoản tạm ứng 20 tỉ đồng cho nhà thầu thi công. Đặc biệt, I.V.C. đã ký hợp đồng với một công ty của Mỹ đóng mới 10 chiếc du thuyền trị giá mỗi chiếc từ 1,2 – 1,5 triệu USD và đã đóng tiền cọc 20 – 30%, chưa kể hàng loạt chi phí khác. Tuy nhiên, cái mất lớn nhất, theo ông Phan Minh Cương, là mất uy tín của doanh nghiệp và mất lòng tin của doanh nghiệp vào chính quyền TP.
Ông Phan Minh Cương nêu rõ, dự án của I.V.C. đã được các cơ quan chức năng xác định là không phân lô bán nền, không làm khách sạn trá hình, không che khuất tầm nhìn, không gây ảnh hưởng môi trường, cảnh quan khu vực, không làm ảnh hưởng dòng chảy vì sử dụng khoan cọc nhồi lên đến 300 triệu đồng/cọc chứ không phải ép cọc chỉ 30 – 40 triệu đồng/cọc như bến du thuyền DHC…
I.V.C. dự định thi công dự án trong 8 tháng, nếu triển khai từ đầu năm 2015 thì lúc đó lấy đâu ra cái phương án quy hoạch hai bờ sông Hàn của Công ty JiNa để lãnh đạo TP Đà Nẵng dừng dự án này. Và nếu triển khai từ lúc đó thì đến bây giờ dự án có lẽ đã thi công gần xong. Vậy TP sẽ dừng dự án của I.V.C. hay là để cho tồn tại như bến du thuyền DHC “vì đã gần xong rồi”?
“Lấy lý do thi công gần xong để không dừng dự án của DHC mà chỉ dừng dự án của chúng tôi là thiếu thuyết phục và không công bằng. Đã dừng thì phải dừng hết, chờ có ý kiến chính thức của tư vấn, cái nào được thì cho tiếp tục làm, cái nào không thì phải dẹp. Phải hành xử như với vụ biệt thư trái phép trên núi Hải Vân, tháo dỡ biệt thự của ông Thạch thì cũng phải dỡ luôn khu biệt phủ của ông Quang dù nó trị giá hơn trăm tỉ. Như thế người ta mới tâm phục khẩu phục!” – ông Phan Minh Cương nói.
Tuy nhiên ông Phan Minh Cương cũng khẳng định: “Công ty I.V.C. sẽ không kiện chính quyền Đà Nẵng, cũng không nhận tiền đền bù của TP. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến lãnh đạo TP là đừng bao giờ hành xử với doanh nghiệp như thế nữa. Chúng tôi là người Đà Nẵng, là doanh nghiệp Đà Nẵng. Chúng tôi không thiếu bất cứ thứ giấy phép nào, không sai phạm bất cứ điều gì mà đối xử với chúng tôi như vậy, ở các nơi khác nhìn vào thì ai còn dám đến đây làm ăn nữa!”.
Chiều 17/7, tại buổi lấy ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành về phương án quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty JiNa Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc) đề xuất, PV Infonet đã đặt câu hỏi với ông Do Yeon Kim, Giám đốc điều hành Công ty JiNa: “Xin ông cho biết quan điểm của đơn vị tư vấn về hai bến du thuyền DHC và I.V.C. đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận?”.
Tuy nhiên ông Do Yeon Kim chỉ trả lời lòng vòng chứ không đi thẳng vào nội dung câu hỏi. Đến khi Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng nhắc “đơn vị tư vấn chưa nêu rõ quan điểm” thì ông Do Yeon Kim nói: “Hiện nay dự án của chúng tôi mới đang trong quá trình nghiên cứu về mặt ý tưởng. Sau bước ý tưởng này chúng tôi sẽ đi chi tiết đến từng dự án và sẽ có kiến nghị đối với TP. Vì vậy nên câu hỏi của ông về hai dự án này thì hiện tại chúng tôi vẫn đang nghiên cứu!”.