Lãnh đạo Đà Nẵng đang lắng nghe về việc có nên di dời sân bay
Như tin đã đưa, tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức sáng 8/9, vấn đề có nên di dời sân bay Đà Nẵng hay không, di dời như thế nào đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo“Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” sáng 8/9 (Ảnh: HC) |
Tham dự chủ trì cuộc hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay, hiện Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình TP môi trường, đô thị thông minh.
Trong đó kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của TP làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được giữ gìn như là trụ cột phát triển môi tường sinh thái, đô thị bền vững).
Đối với các ý kiến tranh luận có nên di dời sân bay Đà Nẵng để lấy quỹ đất hơn 800ha “xây dựng, phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị…” hay không, trao đổi với PV Infonet, ông Đặng Việt Dũng cho đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP trong tương lai. Vì vậy cần phải cân nhắc, tính toán hết sức cẩn trọng, thấu đáo chứ không thể trong ngày một, ngày hai mà quyết định được.
“Hiện lãnh đạo TP đang tiếp tục lắng nghe chứ chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này. Nhận thức là một quá trình, và chúng tôi muốn lắng nghe được càng nhiều ý kiến càng tốt, để qua đó chắt lọc những ý tưởng ”đắt“ nhất cho sự phát triển của TP. Vì vậy những cuộc hội thảo như thế này là dịp rất quý để lãnh đạo TP lắng nghe. Việc của mình là lắng nghe mà!” – ông Đặng Việt Dũng nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Infonet, tiếp tục có thêm nhiều ý kiến tranh luận quanh chủ đề nóng này. Đối với quan điểm không di dời mà xây dựng “khu đô thị sân bay” bằng việc hình thành các đường vành đai đô thị với lõi là sân bay quốc tế Đà Nẵng được TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu tại hội thảo (Infonet đã đưa tin), KTS Hoàng Sừ (nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Nam) cho rằng hấp dẫn nhưng không khả thi.
“Ý tưởng như TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói về đô thị sân bay, tôi thấy cũng rất hấp dẫn, nhưng thực ra khi nhìn trên bản đồ thì thấy khả năng lấy được đất ở xung quanh sân bay để hình thành một “đô thị sân bay” là không còn. Hiện xung quanh sân bay Đà Nẵng dân cư rất dày đặc, lại bị ảnh hưởng bởi tĩnh không đầu và tĩnh không sườn của sân bay, tiếng ồn rất lớn… nên việc lấy khu vực này làm “khu đô thị sân bay” không mấy khả thi!” – KTS Hoàng Sừ nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện là Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lại cực lực phản đối đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng, đồng thời đề nghị tập trung mở rộng sân bay này hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng đón 10 – 15 triệu khách du lịch.
Ông Đỗ Viết Chiến nói thẳng: “Rất nhiều tỉnh, thành mong muốn có sân bay, trong khi Đà Nẵng đang có một sân bay quốc tế tầm cỡ như thế này thì lại có người tìm cách “bê” nó đi chỗ khác. Với một TP đáng sống như Đà Nẵng thì cảng hàng không quốc tế là rất quan trọng, không thể không có được!”.
Tương tự, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng cũng cho rằng không thể di dời sân bay Đà Nẵng, kể cả lấn biển ở mỏm cuối bán đảo Sơn Trà để xây sân bay mới. Ông cảnh báo: “Nếu dời qua Sơn Trà, đưa lưng ra biển sẽ không thể nào chịu được gió biển. Chưa kể việc lấp biển để làm sân bay sẽ gây ra hệ lụy lớn, cứ lấp chỗ này chừng nào thì chỗ khác sẽ lở ra chừng ấy. Đó là quy luật của thiên nhiên rồi!”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, trong việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng.
“Đà Nẵng không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng, mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai phát triển vững trong tương lai. Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ xác định vai trò “mặt tiền biển“ của vịnh Đà Nẵng đối với đô thị Đà Nẵng để tìm kiếm ý tưởng phát triển xứng tầm; phát triển phía Tây TP theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị hóa có kiểm soát; tái cấu trúc khu trung tâm TP theo hướng mô hình đô thị nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng động!” – ông Đặng Việt Dũng nói.