Lãnh đạo chức càng lớn, hát quốc ca càng phải to
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản chấn chỉnh lại việc hát Quốc ca tại các công sở, trường học. Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, tại một số nơi thực hiện nghi thức này chưa nghiêm túc khi chỉ sử dụng bài Quốc ca (có lời hoặc nhạc) được ghi âm sẵn. Người tham dự lễ không hát hoặc hát sai nhạc, lời bài Quốc ca…
Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc... kiểm tra các cơ quan trong hệ thống thực hiện nghiêm việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ; hát Quốc ca và Quốc tế ca khi tiến hành nghi thức chào cờ trong các buổi sinh hoạt Đảng.
Đối với các cơ sở giáo dục, trong lễ chào cờ đầu tuần và các buổi lễ kỷ niệm, tất cả cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên phải hát Quốc ca (có hoặc không có nhạc đệm). Các cơ quan, đơn vị được khuyến khích tổ chức nghi thức chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần. "Tổ chức cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên học hát Quốc ca đảm bảo đúng lời và nhạc", công văn nêu rõ.
Chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 23/5, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai), đồng thời cũng là một nhà sử học uy tín cho rằng, việc Hà Nội nhận thức ra hạn chế và thúc đẩy, đưa quy định hát Quốc ca vào “khuôn khổ” là điều đáng ghi nhận.
“Điều này hết sức đáng làm vì nó thể hiện ý thức của mỗi người dân Việt Nam, lòng tự hào dân tộc…”- ông bình luận.
Hà Nội vừa đưa ra văn bản chấn chỉnh việc hát Quốc ca, chào cờ. (Ảnh minh họa) |
Ông Quốc kể lại câu chuyện của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “mắt thấy tai nghe” khi sang thăm chính thức một nước Bắc Âu. Theo nghi thức đón tiếp cấp cao, khi hát quốc ca tất cả đại diện nước bạn, thậm chí ngay cả ông vua của quốc gia đó cất lời hát rất hoành tráng. Nhưng, khi nhạc quốc ca VN cử lên thì rất ít người hát, có chăng chỉ nhấp môi… Vị vua bèn quay sang hỏi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Quốc ca nước bạn không có lời à?”. Và câu hỏi của bạn đã khiến Nguyên Chủ tịch nước cảm thấy rất xấu hổ.
Dẫn lại câu chuyện trên, ông Dương Trung Quốc muốn nhấn mạnh, dù là một hành động nhỏ nhất, như việc hát Quốc ca, thuộc lời bài hát Quốc ca thôi, cũng có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước.
Và sở dĩ theo ông, trước mỗi trận đấu bóng đá các đội đều cử hành nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca hoành tráng, là vì “đó là sự cổ vũ về tinh thần, là ý thức dân tộc vì “màu cờ sắc áo”.
Và trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Đứng dưới lá quốc kỳ, giọng vang lên bài hát Quốc ca quen thuộc là lúc mỗi người dân Việt Nam ý thức về lòng tự hào dân tộc. Vì lẽ đó, không có lý do gì mà “phụ thuộc vào nhạc đệm để rồi chỉ mấp máy môi, thậm chí là không hát, hát sai lời Quốc ca…”.
“Thói quen bật nhạc hát Quốc ca là thói quen của sự lười biếng, vô ý thức” - Đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn. Ông nhấn mạnh, hãy nên để mọi người ý thức ngay trong một nghi thức tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại lại thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước trước lá quốc kỳ của dân tộc.
“Người lãnh đạo chức càng to thì phải hát càng to, chứ đừng nghĩ mình có chức có quyền thì có đặc quyền, đặc ân”- Ông Dương Trung Quốc chốt lại.