Làng rối Đào Thục: 'Quan' làm liều, dân mâu thuẫn
Làng rối Đào Thục: 'Quan' làm liều, dân mâu thuẫn
Đây là thực trạng đã diễn ra với người dân Thôn Đào Thục- xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thôn Đào Thục nổi tiếng cả nước là một trong cái nôi của nghệ thuật rối nước Việt Nam. Bên cạnh cái nổi tiếng ấy, người dân đang ngày ngày chứng kiến những sự việc “trái tai gai mắt” về những sai phạm nhiều năm không giải quyết gây bức xúc dư luận nhân dân. Thôn tự ý bán đất công, đơn từ đã nhiều, đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng hậu quả sai phạm đó không được khắc phục, có người đã từng sai phạm lại tiếp tục… làm cán bộ. Sự việc không xử lý dứt điểm khiến cho nội bộ nhân dân mâu thuẫn, thù ghét lẫn nhau, nhưng lãnh đạo xã vẫn “bình chân như vại”.
Đơn của những người dân Đào Thục gửi đến Báo điện tử Infonet |
Những rắc rối của dân “làng rối”
Báo điện tử Infonet nhận được đơn thư của một số người dân thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm), trình bày một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, bao che sai phạm… Trong đó, ông Nguyễn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Lâm bị “tố” xây miếu thờ trái phép, chiếm dụng đất công, gây trò mê tín dị đoan trên địa bàn…
Theo người dân, trước đây, khu vực cánh đồng Sau Gia (thôn Đào Thục) được ông Thu và ông Đinh Văn Cường cùng nhau đấu thầu để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Khoảng năm 2010, sau khi hết hạn hợp đồng, ông Thu đã mua vật tư và thuê người nhà ra đây xây dựng gò miếu và cây hương phục vụ các hoạt động mê tín dị đoan của mình. Khi miếu được xây xong, nhiều người chứng kiến mẹ và vợ ông Thu đem vàng mã ra đây cúng lễ gây bức xúc trong dư luận... Sự việc trên cũng được bà Đặng Thị Đích (chị dâu ông Thu), người được ông Thu thuê xây miếu thờ trên tố cáo đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một sai phạm nữa mà người dân tố cáo là việc ông Thu với cương vị là Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Thụy Lâm, phụ trách thôn Đào Thục, nhưng đã làm ngơ, bao che cho những sai phạm của lãnh đạo thôn Đào Thục trong việc lập một loạt biên bản xác nhận giao đất công ích cho các hộ dân “toàn quyền sử dụng”. Trong đó, những sai phạm của ông Đinh Hữu Bình, Bí thư chi bộ thôn Đào Thục (anh cùng mẹ khác cha với ông Thu - PV) đã được UBND xã Thụy Lâm chỉ rõ tại kết luận số 06/KL – UBND, ngày 16/5/2009 về việc xem xét đơn tố cáo của công dân. Trong đó, nêu rõ: Việc ông Đinh Hữu Bình có tên trong các biên bản giao đất của thôn cho các hộ sử dụng là có thật, vi phạm điểm 3, điều 37 Luật Đất đai năm 2003…”. Thế nhưng, không hiểu sao ông Bình sau khi "mất chức" lại "tái đắc cử" chức Bí thư chi bộ thôn Đào Thục?!
Những sai phạm trên đã được nhiều người dân thôn Đào Thục dũng cảm tố cáo đến UBND xã Thụy Lâm và các cơ quan chức năng huyện Đông Anh, UBND Thành phố Hà Nội, lãnh đạo xã Thụy Lâm cũng đã nhiều lần thành lập tổ công tác xác minh, kết luận rõ nhiều nội dung đơn tố cáo của công dân là “có cơ sở”. Trong đó có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tổ chức thầu khoán đất đai không đúng quy định, theo đó nhiều mảnh đất đã được giao trái phép cho nhiều cá nhân sử dụng. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hinh, nguyên trưởng thôn Đào Thục bức xúc: “Ngay từ khi phát hiện những sai phạm trên chúng tôi đã kịp thời có đơn tố cáo lên xã, nhưng xã chỉ 'vờ' vào kiểm tra rồi chẳng thấy xử lý gì. Ngay cả sân bóng đá trước đây là nơi vui chơi, tổ chức mọi hoạt động của làng cũng bị thôn bán cho các hộ xây tường bao, làm nhà ở. Trong khi đó, những người đi tố cáo như chúng tôi thì lại bị họ tìm mọi cách trù dập. Cụ thể, năm 2005, gia đình tôi đã trúng thầu đất sản xuất tại thôn, nhưng sau khi đã nộp 20 triệu đồng tiền cược thì lại được thông báo hủy kết quả thầu, từ đó đến nay tôi đã nhiều lần kiến nghị đòi trả lại số tiền trên, nhưng họ vẫn chưa chịu trả, trong khi mảnh đất đó vẫn bị bỏ hoang cho cỏ mọc”.
Sân bóng bị "cắt" ra từng miếng bán cho các hộ dân xây rào phân lô |
Đặc biệt, lợi dụng lúc vừa hết hạn thầu khoán đất, gia đình anh Đinh Văn Thiềm (con ông Đinh Văn Thơm, người đứng đơn tố cáo) bị UBND xã Thụy Lâm cưỡng chế ao cá, lán trại, cây cối trong ngày ngày 29/3/2012 đã khiến nhiều người dân bức xúc cho rằng UBND xã Thụy Lâm đã cố tình phá hoại tài sản nhằm trù dập người tham gia tố cáo. Đưa chúng tôi thăm khu vực trên, ông Đinh Văn Thơm cho biết: “Tôi và con trai đã phải đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng lán trại, cải tạo ao cá, trồng cây lấy gỗ… Đến nay mới bắt đầu chuẩn bị cho thu hồi vốn, đáng nhẽ phải tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục gia hạn hợp đồng để đầu tư tiếp. Nhưng, đằng này xã lại cho người phá hết nhà, chặt phá hàng trăm cây bạch đàn đang chuẩn bị cho thu hoạch của chúng tôi để lấy đất cho người khác thầu lại. Buổi cưỡng chế trên đã khiến gia đình tôi bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng”.
Ông Đinh Văn Thơm chua xót nhìn dấu tích của vụ "cưỡng chế" |
Trong khi đó, hộ ông Quảng ngay liền kề xin phép làm trang trại lại xây dựng xưởng "sản xuất bia". Theo các hộ dân cho biết, mỗi khi hướng gió thổi vào làng đưa mùi lạ từ xưởng sản xuất về, khiến người dân cảm thấy rất khó ngửi. Người dân ở đây khiếu nại nhiều lần về việc gây ô nhiễm nhưng xưởng sản xuất đó vẫn nằm “trơ trơ” thách thức người dân và chính quyền địa phương.
Xưởng sản xuất của hộ ông Quảng vẫn hoạt động trên đất trang trại và xả mùi "khó ngửi" cho dân |
Cách giải quyết phớt lờ dư luận của xã
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề xây cây hương ngay khu vực cơ đê, ông Nguyễn Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Lâm, khẳng định: “Mảnh đất có xây miếu và cây hương đó đúng là tôi cùng anh Nguyễn Văn Cường trước đây có thầu khoán sử dụng mảnh đất này. Việc xây dựng cây hương là trái phép, nhưng không phải tôi xây mà là ông Đinh Xuân Bách, nguyên trưởng thôn Đào Thục tự ý xây dựng trái phép trên đất cơ đê do UBND xã quản lý. Việc này đã được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, còn xử lý thế nào các anh phải đi hỏi UBND xã, chúng tôi đã chỉ đạo xử lý nhiều lần nhưng chưa thấy báo cáo lại”.
Thế nhưng, qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm đã từ chối trả lời những vấn đề trên và cho biết: “Các anh cứ việc điều tra, làm rõ và viết bài theo thẩm quyền. Tôi không quan tâm, việc ai người ấy làm. Tôi không có thời gian tiếp báo chí”.
Cây hương xây trên đất cơ đê vẫn tồn tại. Người dân vẫn đang nghi ngờ có người "lãnh" trách nhiệm thay ông Thu. |
Cũng trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thu, khi chúng tôi hỏi trách nhiệm của ông thế nào khi để tình trạng sai phạm đã có kết luận 6 năm không giải quyết dẫn đến những bức xúc, mất đoàn kết của dân? Ông trả lời: “Đảng ủy xã đã có nghị quyết giao cho Ủy ban xã giải quyết rồi”. Còn phía ủy ban xã khi chúng tôi liên lạc lại vấp phải thái độ, cách trả lời như trên. Cách trả lời này, ông Thu cũng thừa nhận là “không nhất thiết phải có phản ứng như vậy”.
Chưa cần biết nhưng sai phạm của ông Thu và lãnh đạo xã đến đâu nhưng hiện tượng mất đoàn kết trong nội bộ dân Đào Thục do có nhiều sai phạm chưa được giải quyết triệt để là có thật. Gần 10 năm qua, người dân làng rối Đào Thục không yên tâm phát triển kinh tế và xây dựng xã hội vì những sai phạm này. Để người dân đoàn kết, yên tâm làm việc, rất cần UBND huyện Đông Anh và các cơ quan chức năng Tp Hà Nội vào cuộc giải quyết triệt để và cần xem xét trách nhiệm các cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Hồng Chuyên