Lần đầu tiên Thủ tướng viết blog để kêu gọi đầu tư
Bài viết được đăng tải trong dịp diễn ra hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, tổ chức tại Philippines từ 21-23/5. Đây dường như là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ viết blog để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, tổ chức tại Philippines từ 21-23/5. |
VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch của bài viết này:
“Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luốn là một bộ phận then chốt trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam vốn có nhiều lợi thế so sánh và một môi trường đầu tư mạnh, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chúng tôi làm vậy bằng cách cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và đầu tư, đồng thời công nhận khu vực FDI là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tính đến tháng trước, có hơn 16.300 dự án FDI đang hoạt động ở Việt Nam, với tổng số vốn 238 tỷ USD. Các nhà đầu tư này đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều trong số họ nằm trong hàng ngũ các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Trong năm 2013, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam vượt ngưỡng 22 tỷ USD, tăng hơn 35% so với năm 2012. Những con số này cho thấy, Việt Nam đã trở thành một đích đến được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.
Vậy điều gì lý giải cho câu chuyện thành công này của Việt Nam?
Trước hết, Việt Nam đảm bảo được sự ổn định chính trị-xã hội, và được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian từ 1991-2000 đạt trung bình 7,5% mỗi năm. Trong thời gian 2011-2013, bất chấp nhiều khó khăn, GDP của Việt Nam vẫn tăng 5,6%. Nhiều dự báo quốc tế nhận định, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2014-2015 và lâu hơn nữa.
Thứ hai, Việt Nam hiện đang ở trong một thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với 60% dân số trong độ tuổi lao động. Việt Nam cũng có vị trí địa lý nằm chính giữa trung tâm của Đông Á, khu vực tập trung một số nền kinh tế lớn mạnh. Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một một bên trong nhiều khuôn khổ về hợp tác kinh tế quốc tế, bao gồm các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác cả trong và ngoài khu vực.
Đặc biệt, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả những nhân tố này đều góp phần lý giải vì sao có nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam, và Việt Nam sẽ còn thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, và liên tục cải thiện khung pháp lý và thể chế liên quan đến kinh doanh và đầu tư. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để có thêm những chương mới trong câu chuyện thành công này, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đem đến luồng sức sống mới cho môi trường kinh doanh và đầu tư.
Một cách để làm được việc này là tạo ra ba “khâu đột phá chiến lược”: đưa ra các thể chế kinh tế thị trường và một khung pháp lý; xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là giao thông; và phát triển lực lượng lao động có chất lượng.
Tất cả những nhiệm vụ này sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Chính phủ Việt Nam duy trì quyết tâm thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết và thúc đẩy đàm phán và hoàn tất một loạt thỏa thuận thương mại tự do mới. Việt Nam xem thành công của các doanh nghiệp FDI là thành công của chính mình. Bởi vậy, Chính phủ Việt nam cam kết duy trì môi trường chính trị-xã hội ổn định, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực thu hút và sử dụng hiệu quả các dòng vốn FDI để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam sẽ hướng tới các dòng vốn FDI “chất lượng cao”, tập trung vào các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo cách bền vững. Việt Nam cũng sẽ hướng tới các dự án có sản phẩm cạnh tranh, có thể là một phần trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Các dự báo quốc tế cho rằng, khi nền kinh tế thế giới phục hồi, các dòng vốn FDI sẽ quay trở lại các nền kinh tế năng động. Xét tới triển vọng tích cực của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tìm tục đạt được thành công trong lĩnh vực này”.