Làm và nói
Ảnh minh họa |
Có lẽ, cần phải nói ngay rằng, tôi nghĩ cải cách về tuyển sinh năm nay, chuyển từ thi đại học sang xét tuyển, là một trong những cải cách tích cực nhất của ngành giáo dục.
Nếu so sánh giữa việc hàng triệu người, cả các sĩ tử lẫn gia đình phải vất vả, hớt hải dồn về thành phố trong kỳ thi, với việc chỉ cần dùng kết quả kỳ thi PTTH để xét tuyển, xã hội đã bớt đi được rất nhiều công sức, chi phí. Cơ hội lựa chọn của học sinh cũng lớn hơn, và nếu "trượt" ở trường này, có thể tìm kiếm luôn cơ hội ở một trường khác trong đợt xét tuyển kế tiếp, thay vì phải mất thêm một năm ôn thi và chờ đợi.
Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ khác, là tâm lý xã hội và giải pháp cho tâm lý xã hội của một nhóm thí sinh đã chưa được tính đến, và rõ ràng, bộ máy tuyển sinh cũng đã không được chuẩn bị cho những sức ép đã diễn ra theo cách của những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển thứ nhất.
Và những hệ luỵ từ sự náo loạn ở một số trường đại học trong vài ngày, đã khiến một cải cách lớn, có ý nghĩa, có nguy cơ bị coi nhẹ và thậm chí, có thể không được ủng hộ như nó đáng có.
Cho phép thí sinh nộp và rút hồ sơ xét tuyển là một ý tưởng rất tốt, giúp thí sinh có nhiều lựa chọn, nhưng không có công cụ đủ tốt, đủ thuận tiện để làm cái tốt ấy nổi bật lên, hẳn nhiên là một lỗi điều hành của Bộ giáo dục và đào tạo. Sự lộn xộn của thí sinh, gia đình và xã hội hẳn nhiên là một hệ quả tất yếu của việc các trường đại học vẫn còn làm việc với cả đống giấy tờ ngồn ngộn, trong khi rõ ràng họ có thể thao tác đơn giản hơn với một hệ thống đăng ký trực tuyến.
Nhưng tôi nghĩ, còn có một điểm nữa, quan trọng không kém, là việc nắm bắt tâm lý xã hội. Có khá ít nơi trên thế gian, mà tâm lý một kẻ đi thi cả nhà xúm xít còn phổ biến như nước mình, và tâm lý ấy, hành vi xã hội ấy hẳn là những người làm công tác tuyển sinh phải thấy rõ qua những kỳ thi đại học trước đây. Và vì không nắm rõ tâm lý ấy cũng như chuẩn bị cho việc đối phó với tình trạng lộn xộn ắt sẽ diễn ra từ cái tâm lý ấy, Bộ GD & ĐT đã không có được những ứng phó phù hợp, mà chính xác là gần như không làm gì, mặc cho tình trạng hỗn loạn ấy diễn ra.
Có thể thấy là Bộ GD-ĐT đã có thể làm tốt hơn, ví dụ xuất hiện và đưa ra những giải thích phù hợp trước đó, hoặc ngay trong những lúc "nước sôi lửa bỏng", đã có hàng loạt những câu hỏi của không chỉ các thí sinh, mà còn của phụ huynh và gia đình không được trả lời, khiến thổi bùng lên mọi sự hỗn loạn. Trong những trường hợp như vậy, ứng xử của khu vực tư nhân có thể tham khảo như một cách tiếp cận, ví dụ là việc xây dựng dữ liệu hỏi đáp và thiết lập tổng đài hướng dẫn chung, ví dụ là việc chủ động xuất hiện và giải thích, hướng dẫn khi một bộ phận của thí sinh và gia đình hỗn loạn,...
Làm - đưa ra áp dụng một chính sách mới, có tác dụng tích cực hơn - rõ ràng là một điểm cộng, nhưng quả là còn thiếu một phần khác không kém quan trọng, là giải thích, hướng dẫn và hỗ trợ dân chúng thực hiện chính sách ấy. Nói - vì vậy, ở đây có vai trò chả kém hơn làm.