Làm sao xử lý khoản nợ "nan giải" khi xây dựng nông thôn mới?
Chủ nhiệmUỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Xử lý nợ khi xây dựng nông thôn mới như thế nào?
Hôm nay (5/10), tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe báo cáo giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn đặt câu hỏi: Nợ để được đạt nông thôn mới thì xử lý như thế nào? Chưa thấy Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị, giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Trước băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. "Đoàn giám sát đã đi làm việc với các địa phương, cũng quan tâm đến vấn đề này nhưng quả thật vẫn chưa có giải pháp nào khả thi" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng con số hơn 15 nghìn đồng tỉ nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương mà Đoàn giám sát thống kê đều không có nguồn thanh toán. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối để quá hạn như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận con số hơn 15 nghìn tỉ đồng nợ đọng cơ bản ở các địa phương là do một số địa phương nôn nóng, chạy theo thành tích, muốn nhanh để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu ra nguyên nhân do giai đoạn vừa qua, ngân sách có khó khăn. Lúc đầu thiết kế chương trình là nhà nước đầu tư 30-40%, sau đó điều chỉnh lại là nhà nước hỗ trợ, dân làm là chính. Kết quả là ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 4,4%; gần 6% là ngân sách địa phương, còn 51% là tín dụng. Bộ trưởng khẳng định, tới đây sẽ yêu cầu các địa phương bằng mọi giải pháp phải tập trung giải quyết số nợ đọng này.
Khó giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2017
Trước thực trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn.
“Không xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nếu không xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản trong vòng 1 năm kể từ khi công nhận thì cấp có thẩm quyền xem xét lại việc công nhận. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản” - Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những kiến nghị trên cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu khác.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, số nợ trong tổng thể là không lớn nhưng phải xem khoản nợ nào là lành mạnh, nợ nào làm thất thoát, tiêu cực thì phải chấn chỉnh. Đáng lẽ sang năm đạt tiêu chuẩn mà năm nay vay tiền để đạt cũng không nên nặng nề. Nhiều địa phương nợ trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy không có nghĩa là làm thất thoát hay "ăn của dân", các tiêu chí đề ra còn máy móc, rập khuôn, vô hình trung làm nhiều vùng sâu vùng xa nhụt chí, nhìn vào tiêu chí không dám làm. Do đó cần nghiên cứu chỉnh sửa tiêu chí.
“Tôi thấy có nóng vội, phong trào và chạy theo thành tích. Để có 19 tiêu chí nhằm được công nhận nông thôn mới thì nóng vội, làm cho được. Tư tưởng đội ngũ cán bộ ở dưới nặng về xin tiền chứ chưa nghĩ cách tìm ra giải pháp hiệu quả, chất lượng mà tiêu ít tiền” – ông Võ Trọng Việt nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng yêu cầu “giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017” là khó khả thi. Với các tỉnh nghèo thì kiến nghị này càng khó thực hiện, khó giải quyết nợ một cách dứt điểm.
Dẫn số liệu cho thấy hầu hết các địa phương đều nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ là vấn đề nợ ít hay nợ nhiều, ông Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý: “Kiến nghị không xem xét công nhận là rất khó. Sau 1 năm không xử lý được nợ thì xem xét lại thế nào, có thu lại được không? Cái này hoàn toàn không khả thi, cần xem lại”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề: Nguồn lực ở đâu để giải quyết nợ đọng trong năm 2017? Việc xem xét công nhận hay rút lại công nhận cũng cũng không thực tế mà nên đánh giá, bình chọn thực chất, đúng thực tế.
“Xây dựng nông thôn mới phải kiên trì, bền bỉ thì mới đạt, không nên nóng vội, huy động quá sức dân. Bài học là phải nêu cao trách nhiệm cấp uỷ, chính quyền cơ sở, bộ ngành; phát huy sức mạnh toàn dân; dân chủ để dân bàn, dân quyết. Huy động sức mạnh tổng hợp nhưng phải trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên vì nguồn lực có hạn” – ông Uông Chu Lưu nêu ý kiến.