Làm sách chỉ tốn 1/4 chi phí làm đường
Làm sách chỉ tốn 1/4 chi phí làm đường
Đó là nhận định của TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tại Hội thảo Sách và Chấn hưng giáo dục diễn ra tại TP.HCM ngày 6/5.
Phải sửa đổi sách giáo khoa cả về hình thức lẫn nội dung |
Nhận xét về nội dung sách giáo dục hiện nay đang dùng trong các trường từ bậc tiểu học đến đại học, TS Hồ Thiệu Hùng cho rằng, sách giáo khoa đang có xu hướng muốn chiếm vị trí độc tôn ở mọi bậc học, nhưng nội dung lại ôm đồm, thừa nhiều kiến thức không thiết thực nhưng lại thiếu kiến thức cần cho cuộc sống hiện tại. Hình thức trình bày sách chưa thu hút người học, học xong không đọng lại điều gì trong đầu.
“Cho đến nay, điểm lại các sách giáo khoa Việt Nam xuất bản có thể nói chưa có sách nào vượt được bộ sách Quốc văn giáo khoa được giảng dạy ở các trường tiểu học thời Pháp thuộc. Sách có nội dung thiết thực, cách viết dung dị, dễ hiểu, dễ thuộc, nhờ đó mà phát huy tác dụng suốt cả đời”, TS Hồ Thiệu Hùng tâm đắc.
Nhìn từ thực tế này, vấn đề cấp bách là phải sửa đổi sách giáo khoa cả về hình thức trình bày lẫn nội dung. Vấn đề đáng lưu ý là kinh phí cho việc làm sách. Theo tính toán của TS Hồ Thiệu Hùng, nếu viết sách cho mỗi môn học tốn khoảng 300 tỷ đồng thì chi phí viết khoảng 25 môn học cho cả một bậc học sẽ vào khoảng 7.500 tỷ đồng. Số tiền này không vượt quá chi phí làm một con đường cao tốc dài 30km.
Cụ thể, cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây dài 55km với 4 làn đường, cứ mỗi km cần đến 12,6 triệu USD, tương đương 254 tỷ đồng/km hay 7.620 tỷ đồng cho 30km. Còn đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105,5km cũng được dự kiến mức vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần tiền làm bộ sách giáo khoa mới cho học sinh phổ thông. Như vậy, số tiền bỏ ra làm mới sách giáo khoa, phục vụ dân trí là không đáng kể.
duy nguyên