Làm lợi cho đất nước 18,3 triệu USD: Tuổi trẻ, đam mê giúp chúng tôi chiến thắng
Sau ba năm miệt mài nghiên cứu và chế tạo, nhóm 17 kỹ sư Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí- PV Shipyard đã tạo ra “bước ngoặt” cho KHCN nước nhà khi thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam.
Infonet đã có cuộc phỏng vấn Ths Ngô Tuấn Dũng- P.Phòng thiết kế Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí- PV Shipyard xung quanh công trình xuất sắc này.
Nhóm tác giả trong buổi lễ nhận giải thưởng danh giá Hồ Chí Minh |
Xin chúc mừng anh và cả nhóm khi giành được giải thưởng danh giá, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi nhóm được tặng thưởng?
Ths Ngô Tuấn Dũng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Đây là sự ghi nhận công sức và sự cố gắng của đội ngũ tập thể nghiên cứu - PV shipyard. Tôi rất vui mừng, tự hào cùng các tác giả khác tham gia vào công trình này và đạt được thành tích ngày hôm nay.
Công trình này đã tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm của công trình giàn khoan Tam Đảo 03 đã được đưa vào hoạt động trước thời hạn 2 tháng, làm lợi trực tiếp cho đất nước 18,3 triệu USD.
Bởi đây là dự án thực hiện song song vừa nghiên cứu vừa áp dụng ngay vào thực tiễn, đó là dự án chế tạo giàn khoan đầu tiên của công ty. Sau đó, công trình nghiên cứu này đã phát huy hiệu quả rất cao cho dự án chế tạo giàn khoan thứ hai và mang lại những kết quả tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Đặc biệt, Giải thưởng này là một sự khuyến khích những người kỹ sư trẻ, những thợ cơ khí ở Việt Nam nói chung và người thợ dầu khí nói riêng, cùng phấn đấu tiếp tục tìm kiếm, tìm tòi học hỏi, nghiên cứu thiết kế xây dựng các công trình dầu khí khác lớn hơn, phức tạp hơn và mang lại hiệu quả kinh tế hơn, cho ngành cơ khí dầu khí nói riêng và cơ khí Việt Nam nói chung.
Được biết, độ tuổi trung bình của đội thiết kế lúc đó là 28, có người còn nghi ngờ hiệu quả của công trình vì cho rằng độ tuổi này là quá trẻ để nghiên cứu một công trình nghiên cứu mang tầm cỡ có giá trị hàng chục triệu đô?
Ths Ngô Tuấn Dũng: Nhóm nghiên cứu chúng tôi gồm: KS. Phan Tử Giang, TS. Nguyễn Quốc Thập, TS. Nguyễn Hùng Dũng, KS. Trần Minh Ngọc, TS. Lê Đình Tiến, ThS. Đỗ Lê Huy, ThS. Vũ Văn Khoa, ThS. Nguyễn Văn Minh, ThS. Lê Hưng, KS. Đào Đỗ Khiêm, KS. Nguyễn Văn Đức, KS. Phạm Mạnh Cường, KS. Nguyễn Văn Quỵnh, KS. Lê Quang Hùng, ThS. Ngô Tuấn Dũng, KS. Phan Thanh Sơn, ThS. Nguyễn Công Phúc.
Thời điểm cuối năm 2007, khu Căn cứ Chế tạo giàn khoan chỉ là một bãi đất trống hoang sơ rộng 39,8 ha tại khu vực Sao Mai Bến Đình. Lúc đó, Công ty PV Shipyard vừa mới được thành lập, vừa phải tập trung vào việc xây dựng nhà xưởng, bến bãi, đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng… vừa phải có kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực triển khai dự án. Nhân sự thiết kế công ty từng bước hình thành, vừa phải học tập, vừa nghiên cứu cứu thiết kế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế từ nước ngoài và tham gia trực tiếp vào dự án sản xuất.
Tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án, với tuổi trung bình của đội ngũ thiết kế công ty lúc đó là 28, hầu hết chưa có kinh nghiệm về thiết kế chế tạo giàn khoan tự nâng, chưa được trang bị và đào tạo chuyên sâu về phần mềm phục vụ công tác thiết kế. Ban đầu, rất nhiều người nghi ngờ, không tin chúng tôi có thể làm được, thậm chí là cả những bạn bè thân thiết, những người quen thân.
Khi đó, tất cả những gì mà các kỹ sư thiết kế của PV Shipyard có được là một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và đam mê cháy bỏng khát khao được làm việc và công hiến, một niềm tin,ý chí sắt đá và là sự nhất trí đồng lòng của tập thể thống nhất, cùng với sự tin tưởng của lãnh đạo công ty trong sự quan tâm hỗ trợ to lớn về chủ trương và chính sách của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sự hỗ trợ từ phía PVN lúc ấy chính là yếu tố cơ bản nhất mang tính thời điểm, quyết định để thúc đẩy thực hiện dự án Tam Đảo 03. Tiếp sau đó là sự hỗ trợ rất lớn của Bộ KHCN và Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia cho dự án KHCN, với cuộc đầu tư “cách mạng” về đào tạo và phát triển đổi ngũ thiết kế giàn khoan tự nâng, mang tính lâu dài và phát triển bền vững cho PV Shipyard.
Với đường lối và đinh hướng đúng đắn của lãnh đạo công ty, đội ngũ thiết kế trẻ của chúng tôi, cùng với toàn thể cán bộ công nhân viên PV Shipyard đã âm thầm cố gắng không mệt mỏi, vượt qua rất nhiều khó khăn dễ nản lòng để đưa dự án Tam Đảo 03 về đích, đồng thời hoàn thành dự án KHCN với kết quả tốt.
Công trình đã được ứng dụng vào thực tế làm lợi cho đất nước 18,3 triệu USD |
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, có khi nào các anh gặp khó khăn và muốn bỏ cuộc?
Ths Ngô Tuấn Dũng: Chúng tôi vừa tìm tòi học hỏi, học từ các chuyên gia nước ngoài, vừa nghiên cứu,vừa thiết kế vừa thi công và lại phải luôn đảm bảo tiến độ của dự án. Có những thời điểm sau làm việc cả ngày ở cơ quan vẫn chưa xong việc, còn mang máy tính về nhà làm việc tiếp cho kịp tiến độ. Một số anh em kỹ sư thiết kế còn ngủ lại ở phòng làm việc cơ quan do làm việc quá muộn. Tuy vậy, chưa bao giờ chúng tôi nản lòng, bỏ cuộc.
Được học nhiều điều mới mẻ, được lãnh đạo công ty tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu, cùng với sức trẻ háo hức được thể hiện mình, được công hiến. Chúng tôi đã tạo ra được nhiều kết quả hữu ích, sáng tạo ứng dụng vào dự án thực tế. Đó chính là niềm vui và động lực giúp chúng tôi vượt qua các khó khăn, thách thức.
Vậy điều gì khiến các anh tâm đắc nhất trong quá trình thực hiện công tác thiết kế các công trình này?
Ths Ngô Tuấn Dũng: Nếu như trong quá trình đóng mới giàn khoan Tam Đảo 3, dự án phải thuê 7 chuyên gia thiết kế của nước ngoài, đứng đầu các chuyên ngành thiết kế Kết cấu, máy, điện, thiết bị khoan,…..với mức lương 33-38 ngàn USD, thì sang dự án Tam Đảo 5, chúng tôi chỉ thuê 1 chuyên gia thiết kế phụ trách phần Điện trong 7-8 tháng (làm việc 11.000 giờ).
Điều đó chứng minh, các anh chị em kỹ sư thiết kế trẻ của công ty đã từng bước nâng cao trình độ, kinh nghiệm, trưởng thành nhanh. Đội ngũ thiết kế công ty đã làm chủ được công tác thiết kế các dự án giàn khoan tự nâng nói riêng và các giàn khoan dầu khí di động có qui mô tương tự, chủ động trong các dự án sản xuất của công ty.
Cá nhân tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi chứng kiến điều đó, đặc biệt khi mình là một thành viên trong đó. Nhân đây tôi xin gửi lời cảm ơn những anh chị em kỹ sư đã cùng kề vai sát cánh trong suốt thời gian qua. Cảm ơn lãnh đạo công ty đã hết lòng tin tưởng, hỗ trợ, tạo điều kiện trong công tác chuyên môn.
Các anh có ý định tiếp tục phát triển các ý tưởng mới sau công trình này?
Ths Ngô Tuấn Dũng: Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện hoạt động nghiên cứu giai đoạn 2 cho dự án KH&CN này. Song song với đó, chúng tôi vẫn sử dụng những kết quả nghiên cứu áp dụng ngay vào sản xuất. Sản phẩm của công trình đã được ứng dụng trong thăm dò, khai thác dầu khí, góp phần phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời có thể ứng dụng để phát triển sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng giữ vững chủ quyền Tổ quốc trên lãnh hải Việt Nam.
Xin cảm cảm ơn anh và chúc nhóm tiếp tục thành công!