"Lạm dụng xe công cũng là tham nhũng!"
Mới đây, tạp chí điện tử hoanhap.vn (Cơ quan của Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam) đã đăng hàng loạt những bức ảnh về hiện tượng lạm dụng xe công đi lễ, đi siêu thị, chở người thân đi việc riêng.
Xe công của tỉnh Thanh Hóa ra tận đền Mẫu tại tỉnh Hưng Yên (ảnh: hoanhap.vn) |
Thực tiễn, cách đây khoảng hơn 1 năm, PV Infonet cũng đã “mật phục” tại cổng đền Mẫu Hưng Yên, kết quả đã ghi hình được không dưới 10 xe biển xanh ngang nhiên đỗ tại bãi xe của đền và còn ngang nhiên hơn là dừng ngay trước cổng đền cho vợ con mang đồ lễ xuống, gây cản trở giao thông.
Tưởng rằng tình trạng này sẽ giảm nhưng đến nay, tại đền Mẫu và nhiều điểm tín ngưỡng khác hiện tượng này vẫn ngang nhiên.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TP. HCM) về vấn đề lạm dụng xe công vào việc riêng:
Dịp Tết năm nào cũng có báo phản ánh hiện tượng sử dụng xe công vào việc riêng như đi lễ chùa, đi siêu thị... Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Vài chục năm gần đây, tôi thấy hiện tượng xe công hầu việc tư diễn ra ngày càng phổ biến và lan rộng trên nhiều địa phương trong cả nước, mang tính mặc nhiên lẫn thách thức dư luận. Vì ai cũng như thế nên người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước được trang bị “công xa” cũng cho mình được cái quyền như thế.
Người ta sử dụng tài sản nhà nước là chiếc xe đã là sai, sử dụng nhân viên lái xe là người nhà nước trả lương cũng sai, thậm chí xăng dầu, phí cầu đường cũng tận rút từ nguồn ngân sách kinh phí của nhà nhà nước như là chuyện đương nhiên họ được hưởng thụ. Chưa nói đến những va quẹt, hư hỏng "công xa" cũng phải lấy từ nguồn kinh phí của nhà nước ra chi trả.
Điều đó gây sự bất bình không nhỏ trong dư luận quần chúng, cần phải có sự chấn chỉnh của Chính phủ để ngăn chận sự tùy tiện lãng phí này bằng những biện pháp chế tài.
Có lần, tôi chứng kiến một đoàn xe công chở một ông quan to và phu nhân đến Tây Ninh để viếng chùa Bà, đâu là một chiếc mà cả đoàn để vị quan chức ấy và phu nhân xì xụp lễ lạy với dù lọng của nhân viên che mát rợp cả tiền sảnh của ngôi chùa ấy. Một người tín ngưỡng mà cả bầu đoàn đi theo để tế lễ như thế thì vừa phản cảm, vừa đứt ruột vì sự hoang phí mua chuộc thần thánh như thế. Tôi không hiểu liệu thánh thần nào chứng cho họ khi xã hội còn quá nhiều cảnh đời còn thiếu thốn kham khổ.
Có ý kiến cho rằng, lạm dụng xe công không chỉ vi phạm quy định quản lý tài sản công mà còn vi phạm phạm trù đạo đức, lãng phí trên mồ hôi, tiền thuế của dân. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
Tôi cho rằng những ý kiến đó là đúng, vì bất kỳ người dân nào, cho dù là trẻ sơ sinh vừa sinh ra đời cũng phải cõng trên mình ít nhất một loại thuế, là thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là sữa, tã lót…
Ngoài ra mọi người đều cõng trên lưng mình nhiều loại thuế để xây dựng đất nước, là thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng chục loại thuế, phí khác. Các nguồn thu đó nộp về trung ương để phân bổ các địa phương nhằm duy trì tính hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Nhưng khi được giao kinh phí hoạt động thì người ta không biết tiếc khi cho xài nhằm phục vụ cho lợi ích của cá nhân mình theo kiểu “của người phúc ta” như thế, không chỉ là thể hiện đạo đức suy đồi, xuống cấp mà còn mang tính vi phạm pháp luật, có thể mang tên gọi “tham nhũng” là hành vi mà pháp luật hình sự cấm chỉ.
Nhiều cơ quan và báo chí đã phản ánh về hiện tượng lãng phí trong mua sắm và sử dụng xe công, nhưng hiện tượng này không hề giảm. Phải chăng, nhiều công chức đang coi thường pháp luật?
Sự phản ánh đó là đúng nhưng theo tôi chưa đủ liều để chữa được căn bệnh lãng phí. Vì để chữa được căn bệnh lãng phí thì phải có những biện pháp chế tài đủ súc răn đe những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức hưởng thụ ngân sách nhà nước.
Có người đưa ra sáng kiến nên "ghi hình những xe công sử dụng sai mục đích báo cho cơ quan báo chí và cơ quan chức năng" . Ông thấy ý kiến này thế nào? Người dân làm thế nào để thực hiện sáng kiến này?
Theo tôi, ghi hình là hay nhưng cũng chưa đủ, mà người dân cần phải có những thái độ dứt khoát, mạnh mẽ hơn khi phát hiện thấy xe công được dùng vào mục đích riêng tư. Ví dụ như ngăn chặn những chuyến xe ấy lăn bánh rời khỏi những điểm được xem là địa điểm mê tín, lễ lạt, hiếu hỉ… để nhờ nhà chức trách lập biên bản xử lý. Nếu người có trách nhiệm tại địa phương ngán ngại không dám xử lý thì người dân không chỉ khiếu nại tới cơ quan chủ quản của chiếc xe ấy mà còn có thể khiếu nại việc buộc phải làm một hành vi nhất định đối với cơ quan chức năng mà họ không chịu làm.
Xin cảm luật sư!
Những người lạm dụng xe công đã vi phạm những quy định nào của pháp luật?
Theo Luật sư Phạm Công Út, việc lạm dụng xe công là vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành:
“Điều 78. Xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại điều 32 của Luật này; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này để xảy ra lãng phí thì bị xử lý như sau:
a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
b) Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật;
c) Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì bị xử lý như sau: a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách và bị xử lý như sau:
a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.