Lái xe vi phạm “hất” CSGT lên nắp capo: Xử lý thế nào cho tương xứng?
Đây không còn là hiện tượng cá biệt, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng manh động, coi thường pháp luật của lái xe vi phạm Luật giao thông.
Mới đây nhất, chiều 28/8, tổ cảnh sát giao thông (CSGT) Hàng Xanh trực thuộc PC67 Công an TP.HCM đang làm nhiệm vụ tại giao lộ đường Kha Vạn Cân và quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) thì phát hiện một ôtô 5 chỗ vi phạm Luật giao thông nên đã yêu cầu dừng xe. Lúc này, tài xế Lê Hoàng - Trưởng phòng một cơ quan bảo hiểm dừng xe và chỉ xuất trình được một giấy đăng kiểm xe đã hết hạn. Vì vậy, tổ CSGT lập biên bản vi phạm. Trong lúc cán bộ CSGT đang đứng trước mũi ôtô lập biên bản thì ông Hoàng vào xe nổ máy tông thẳng và phóng đi. Bị bất ngờ, thiếu tá Phạm Hoài Hiền bị hất lên capo, lao đi khoảng 300m mới dừng lại.
Tại Hà Nội, trưa 25/8, tài xế Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi) lái taxi Mai Linh đón khách ở quận Hoàn Kiếm. Chiếc xe đi sai làn đường và bị cảnh sát ra tín hiệu dừng phương tiện. Lái xe không chấp hành mà vọt bỏ chạy. Anh ta đâm vào một cảnh sát, hất người này lên capo rồi phóng đi. Rất đông người dân bất bình đã truy đuổi, ném gạch làm vỡ kính nhưng lái xe vẫn đạp ga lòng vòng, gây tai nạn nhiều nơi trong suốt 5km chạy trốn. Biết không thể thoát khi đằng sau có 5 xe bị anh ta gây va chạm truy đuổi, lái xe mới chịu dừng lại.
Cùng góp tiếng nói từ góc nhìn pháp luật, để người dân hiểu hơn những hậu quả pháp lý của hành vi tương tự, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (địa chỉ tại 65B Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội). Luật sư là người có nhiều bài viết phân tích sâu những vấn đề “nóng” về pháp luật, đăng trên Báo điện tử Infonet.
Thưa luật sư, chiều 28/8 tại TP. HCM đã xảy ra vụ lái xe hất CSGT lên nắp capo. Trước đó, ở Hà Nội, lái xe taxi Mai Linh cũng có hành động tương tự. Luật sư có ý kiến gì về những hành vi như thế này của lái xe?
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, các vụ việc không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng, thậm chí còn nảy sinh một số trường hợp có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ. Trước tiên, cần nói rằng các hành động không chấp hành, cản trở và chống người thi hành công vụ đều là những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi này không được pháp luật cho phép, đồng thời cộng đồng cũng lên án.
Tuy nhiên, khi xử lý các hành vi vi phạm cũng cần đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật, cần phân biệt các hành vi không chấp hành, cản trở và hành vi chống người thi hành công vụ để có hình thức (chế tài) xử lý cho phù hợp với từng vụ việc.
Nếu hành vi của người lái xe ô tô vi phạm luật giao thông chỉ đơn thuần là không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (chỉ bỏ chạy, không thực hiện mệnh lệnh, yêu cầu… nhưng cũng không có hành vi chống trả, chửi bới, tấn công lại người thi hành công vụ…) thì hành vi này chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 4, Điều 5, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.
Còn đối với hành vi cản trở thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ thì hiện nay luật chưa có khái niệm cụ thể để phân biệt hai hành vi này. Thậm chí, các văn bản pháp luật của ta hiện nay chưa có quy định hành vi như thế nào thì được gọi là chống người thi hành công vụ, hành vi đến mức độ nào thì bị xử lý hành chính, mức độ nào thì bị xử lý hình sự.
Cụ thể, Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;..."
Như vậy, pháp luật hiện nay chưa quy định rõ “ranh giới” phân biệt trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì được xem là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cũng là hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” thì người có thẩm quyền có thể xử lý hành chính (nếu căn cứ vào khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) hoặc cũng có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự.
Một trường hợp lái xe "hất CSGT lên nắp capo" (Nguồn Zing) |
Riêng 2 trường hợp gần đây nhất như đã trao đổi thì sao, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Đối với một số trường hợp vừa xảy ra mới đây như trường hợp của Trưởng phòng bảo hiểm, lái xe taxi Mai Linh… những người này đã lao xe ô tô thẳng vào tổ công các đang làm nhiệm vụ, hất cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ lên nắp capo thì những hành vi này không đơn thuần là không chấp hành hiệu lệnh nữa. Đó là các hành vi chống người thi hành công vụ, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Vì vậy, những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, cũng như đảm bảo duy trì trật tự xã hội. Vì vậy, hành vi lao xe ô tô vào cảnh sát giao thông hoàn toàn có thể xử lý hình sự và cần phải xử lý hình sự theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Xe ô tô của trưởng phòng bảo hiểm hất thiếu tá Phạm Hoài Hiền lên capo, chạy 300m mới dừng lại |
Theo thông tin báo đưa, Trưởng phòng bảo hiểm đã bị tạm giữ về hành vi "chống người thi hành công vụ", theo luật sư đã tương xứng với hành vi đó chưa?
Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã nói ở trên, không chỉ ông Trưởng phòng bảo hiểm, mà ngay cả trường hợp của người lái xe Mai Linh hoặc bất kỳ ai có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, lại còn tông xe trực diện vào tổ công tác CSGT đang làm nhiệm vụ thì hành vi này rõ ràng là hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi này không những thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường người thực hiện nhiệm vụ mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người thực hiện nhiệm vụ.
Do vậy, hành vi này cần phải xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự. Đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật với lỗi cố ý thì càng phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo sự công bằng và giữ gìn niềm tin của nhân dân vào pháp luật. Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc người thi hành công vụ thiệt mạng thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
Trong vụ việc ông Trưởng phòng bảo hiểm tông xe ô tô vào CSGT thì việc tạm giữ hình sự là thủ tục đầu tiên để xác minh sự việc, sau khi có đầy đủ thông tin về vụ việc thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các thủ tục điều tra theo quy định. Tuy nhiên, để khởi tố vụ án này thì cơ quan điều tra cần chứng minh được lỗi cố ý của người vi phạm. Nếu sự việc chỉ do vô ý (luống cuống đạp nhầm chân ga) hoặc do lỗi kỹ thuật từ động cơ… mà không phải là do lỗi cố ý cản trở, chống người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ không bị xử lý hình sự.
Theo luật sư cần có chế tài, biện pháp như thế nào để hạn chế tình trạng lái xe có những hành động manh động như vậy?
Luật sư Đặng Văn Cường: Với những lái xe có hành vi manh động, chống đối lại người thi hành công vụ như trên thì cần phải xử lý hình sự. Với tội danh theo quy định tại Điều 257 BLHS thì mức cao nhất là 7 năm tù.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả gây thương tích cho người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS, mới mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tù chung thân.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự, hình phạt có thể áp dụng cao nhất là tử hình.
Nếu hành vi manh động của lái xe không phải là mục đích cản trở thi hành công vụ, không nhằm mục đích để chạy trốn khỏi bị xử lý vi phạm giao thông, mà họ thực hiện hành vi tấn công người thi hành công vụ do thù tức, mục đích là để tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người với mức hình phạt như đã nêu ở trên.
Với mức chế tài như vậy là tương đối nghiêm khắc, đủ để xử lý những người có hành vi vi phạm. Cũng cần lưu ý là với trường hợp phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, côn đồ, hung hãn thì mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Tội chống người thi hành công vụ thì ít khi được áp dụng án treo.
Hiện tượng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông có chiều hướng gia tăng có thể một phần cũng do cách xử lý vi phạm của một số cán bộ còn chưa phù hợp, niềm tin của người tham gia giao thông với người xử lý vi phạm bị giảm sút nên dễ dẫn đến thái độ chống đối, dễ bùng nổ cảm xúc, từ đó dẫn đến hành vi phạm tội.
Xin cảm ơn luật sư!