Lại lo phình biên chế với chức danh “trợ lý điều tra”
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước: "Trợ lý là chức danh của điều tra hình sự thì tôi không hình dung được". |
Sáng 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự với sự tham gia đầy đủ các bộ ngành liên quan. Một trong những băn khoăn lớn của đại biểu là đề xuất thành lập các chức danh mới dẫn tới nguy cơ phình bộ máy biên chế.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị ban soạn thảo rà soát lại để không bị chồng lấn nhiệm vụ công việc lẫn nhau giữa các đơn vị, làm sao không để phình quá nhiều biên chế. Theo ông Phước, nếu đồng ý cho lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế, chứng khoán được quyền điều tra như đề xuất thì hàng loạt ngành khác cũng có nhu cầu và muốn có cơ quan điều tra.
Mặc dù loại hình tội phạm công nghệ cao đang ngày càng phổ biến, song ông Ksor Phước lại cho rằng, không nên có Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mà chỉ nên có những đơn vị chuyên về công nghệ cao, phối hợp đấu tranh với từng loại hình tội phạm cụ thể.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng đề nghị không nên có chức danh trợ lý điều tra, vì nó sẽ làm phình thêm bộ máy tổ chức. “Trợ lý là chức danh của điều tra hình sự thì tôi không hình dung được. Nếu thế thì nên phân loại điều tra, như điều tra viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp, nhưng trình độ và kiến thức phải đảm bảo. Không nên có chức danh trợ lý điều tra, nếu không rồi có khi ông nào cũng làm quan hết cả”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì cho rằng, trong điều tra và tố tụng, nếu cứ đặt vấn đề cấp trên, cấp dưới thì trách nhiệm không rõ ràng. Phải phân biệt giữa cơ quan điều tra và hành chính để tránh nhầm lẫn và làm rõ trách nhiệm cụ thể. Với đề nghị công an xã được điều tra, ông Lý đề nghị phải hết sức cân nhắc, xem nên giao nhiệm vụ cho lực lượng này ở mức độ nào?
Cũng liên quan đến vấn đề biên chế, Phó Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị sắp xếp lại để tinh giản đầu mối cơ quan điều tra, bởi nhìn hình thức thì có giảm, nhưng trên thực tế số lượng lại tăng, bộ phận hoạt động chuyên trách từng đầu mối cũng tăng. Mức giảm biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện chúng ta vẫn tổ chức theo hình nón ngược, trên to dưới bé... Bên cạnh đó, việc mở rộng thêm một số cơ quan được điều tra, theo ông Khánh cũng không phù hợp với kết luật của Bộ Chính trị. Chủ trương này cũng nhận được sự đồng tình của đại diện TANDTC khi đề nghị không quy định công an xã được quyền điều tra.
Đối với lực lượng công an xã không phải cơ quan điều tra hình sự nên theo ông Khánh không đặt vào luật này, không nên mở rộng đối tượng được điều tra. Ông cũng đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối cơ quan cấp tỉnh, trung ương, dành đầu mối cho cơ quan điều tra cấp huyện. Để phân biệt rõ giữa cơ quan điều tra với hành chính, phải quy định rõ trách nhiệm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra…
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị hết sức cân nhắc chức danh trợ lý điều tra, vì đây là lực lượng giúp việc, trong khi đó ngay cả đến thẩm phán tối cao còn không có trợ lý. “Điều tra viên của hải quan, kiểm lâm cũng có trợ lý thì tôi chẳng hiểu thế nào. Khi trình ra Quốc hội thảo luận, tôi tin chắc là sẽ bị bác, đề nghị các đồng chí cân nhắc”.
Tuy nhiên, trái với ý kiến trước đó, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng lại ủng hộ phương án thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, vì điều này sẽ phù hợp với xu hướng thế giới và tình hình hiện nay. Liên quan đến bộ máy biên chế, bà cho rằng nếu cứ thực hiện đúng các nghị quyết thì chỉ có giảm biên chế, mặc dù chúng ta thường có tâm lý mỗi khi thành lập một cơ quan mới lại lo phình biên chế.
Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, nếu không mở rộng cơ quan điều tra đối với cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán thì sẽ đưa vào phương án dự phòng. Đối với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, theo ông Vương, cục này rất quan trọng và đang hoạt động có hiệu quả.
Về chủ trương tinh giản biên chế, theo Thứ trưởng Vương, điều này hơi khó thực hiện trong bối cảnh tình hình tội phạm đang phức tạp như hiện nay. Về chức danh trợ lý điều tra, Thứ trưởng Công an cho rằng, nếu chỉ một điều tra viên thì dứt khoát không thể làm được mà phải có một người khác giúp bên cạnh để ghi âm, ghi chép lời khai.