Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thông qua 13 dự án luật
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thông qua 13 dự án luật
Đại diện Văn phòng Quốc hội trả lời những vấn đề báo chí quan tâm. |
Lấy ý kiến Luật Xuất bản (sửa đổi)
13 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, bao gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Luật lao động (sửa đổi); Luật Giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, 7 Nghị quyết cũng sẽ được thông qua tại kỳ họp này, bao gồm: Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Nghị quyết về bổ sung 4 dự án vào danh sách các dự án, công trình được phân bổ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ GTVT quản lý; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012…; Nghị quyết về chương trình dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có).
Ngoài ra, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi).
Đối với dự án Luật xuất bản (sửa đổi) sẽ được giữ nguyên bố cục về các chương so với Luật hiện hành, gồm có 5 chương, 50 điều. Việc sửa đổi Luật xuất bản nhằm thể chế hóa đầy đủ một số chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động xuất bản; quy định bổ sung về đối tượng thành lập nhà xuất bản, điều kiện thành lập nhà xuất bản, liên kết trong hoạt động xuất bản; quản lý các cơ sở in và hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm của các cơ sở phát hành.
Xem xét tư cách ĐB Đặng Thị Hoàng Yến
Một trong những vấn đề được nhiều tờ báo quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét tư cách ĐB của bà Đặng Thị Hoàng Yến – ĐB Quốc hội tỉnh Long An. Trả lời xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong quá trình kê khai hồ sơ, bà Yến đã không trung thực khi là Đảng viên nhưng lại không kê khai trong hồ sơ. Ngoài ra trong quá trình làm hồ sơ, bà Yến cũng không kê khai đã có chồng. Tại kỳ họp này, UBTV Quốc hội cũng đề nghị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến và sẽ được các ĐB biểu quyết thông qua.
Một vấn đề khác cũng được báo chí và dư luận quan tâm là Luật Biển Đông sẽ được thông qua tại Kỳ họp này. Vậy Luật Biển Đông sẽ có hiệu lực từ thời điểm nào?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, sau khi thông qua Luật Biển Đông sẽ phải cần thời gian điều chỉnh. Vì thế đến thời điểm này vẫn chưa biết được cụ thể Luật Biển Đông sẽ có hiệu lực từ thời gian nào. Tuy nhiên, việc thông qua Luật Biển Đông sẽ góp phần xác định rõ phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các đảo, quần đảo.
Đối với Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Nghị quyết này sẽ tập trung vào một số cải tiến, đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội. Trong đó có hoạt động giám sát, bao gồm cải tiến, đổi mới về tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho biết, kỳ họp Quốc hội này sẽ diễn ra 42 phiên họp toàn thể (nhiều hơn 4 phiên so với kỳ họp trước). Trong đó có 15 phiên họp về những vấn đề đang được dư luận quan tâm sẽ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để cử tri cả nước theo dõi và nắm bắt tình hình.
Nguyễn Dũng