Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc ngày 20/10
Chiều 16/8, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bước đầu nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ dành 13,75 ngày cho công tác xây dựng pháp luật.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trong 3,25 ngày; cho ý kiến 14 dự án luật trong 10,5 ngày.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành khoảng 8 ngày xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020;
Giám sát tối cao việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.