Kỳ công di chuyển chùa Giám
Trải qua nhiều biến cố thời gian, đặc biệt là một cuộc di dời tổng thể về một nơi ở mới vào những năm 70 của thế kỷ trước nhưng nay chùa Giám (xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng) vẫn giữ được nguyên vẹn dáng dấp và hồn cốt của mình.
Tòa tháp cửu phẩm liên hoa, một báu vật khi di dời đòi hỏi phải bảo quản tốt và lắp đặt rất kỳ công Ảnh: Thành chung |
Giữ nét xưa
Tọa lạc trên một vùng đất đẹp, ngôi chùa trầm mặc đầy vẻ trang nghiêm và cổ kính. Những nếp gỗ đã ngả màu thời gian. Mái ngói xô nghiêng, rêu phong bám phủ. Khách đến tham quan và chiêm bái bước chân lên bậc thềm với những phiến đá cổ mát lạnh. Ở bên trong tiền đường, mọi chi tiết khắc họa đều phủ màu thời gian, từ những chiếc cột chống đến các vì chạm hoa lá, các cửa cuốn và cửa võng chạm quần long tinh xảo đều mang vẻ xưa cũ. Nếu tinh du khách còn nhận thấy đâu đó những thân gỗ đã có hiện tượng mối mọt. Tuy nhiên, sự độc đáo và dáng vẻ hoài cổ của ngôi chùa còn đậm đặc hơn nhiều trong căn nhà tháp với tòa cửu phẩm liên hoa thiết kế theo kiểu hình lục giác đều, gồm 9 tầng hoa sen với tổng cộng 145 tượng phật. Đây cũng là 1 trong 3 ngôi chùa của miền Bắc còn giữ được dạng thiết kế này. Nằm trong quần thể chùa còn có nghè Giám. Nghè là nơi thờ thành hoàng làng. Cánh cửa gỗ của nghè Giám vẫn còn in những vết cháy xém do bom cầm canh của thực dân Pháp bắn phá vào những năm 50 thế kỷ XX...
Nếu chỉ nhìn vào dáng vẻ xưa cũ ấy của ngôi chùa, ít ai nghĩ rằng chùa đã từng được di chuyển từ bãi ngoài ven sông Thái Bình (cách khoảng 7 km) về vị trí hiện tại. Nhưng nhân dân xã Cẩm Sơn đã làm nên điều tuyệt diệu ấy.
Dày công
Hằng ngày gắn bó với ngôi chùa, thấy mọi thứ đều như tồn tại từ thuở khai sinh, tôi rất cảm phục quá trình di chuyển kỳ công của người dân.
May mắn cho chúng tôi khi tìm về Cẩm Sơn vẫn gặp được 2 trong số những người ngày ấy trực tiếp tham gia di chuyển chùa. Các cụ giờ đã ở tuổi 80, nhưng khi nhắc đến những tháng ngày kỳ công di chuyển chùa trong những đôi mắt họ vẫn ánh lên niềm tự hào khó tả. Theo lời kể của cụ Phạm Nguyễn Hãn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã lúc bấy giờ, việc di chuyển chùa là do yêu cầu thực tế của xã. Năm 1974, phần lớn người dân Cẩm Sơn đã rời làng quê cũ ở ven sông Thái Bình đi lập nghiệp trên những vùng đất mới. Trụ sở chính của xã di chuyển cách địa điểm cũ 7 km. Một số người dân do yếu tố khách quan sáp nhập vào các địa phương khác, chỉ còn khoảng 60% số hộ dân đứng tên trong bản đồ địa chính của xã. Khi các nguồn nhân lực, vật lực của xã đã di chuyển, ngôi chùa Giám còn ở lại đồng nghĩa với đời sống tâm linh của người dân vẫn vấn vương với chốn xưa. Những người lãnh đạo cao nhất của xã đã trăn trở họp bàn cùng với nhân dân tìm hướng giải quyết. Tất cả đều nhất trí cao sẽ tập trung mọi nguồn lực để di chuyển cả quần thể chùa gồm một nhà tiền đường, tòa nhà cửu phẩm chứa tháp liên hoa và nghè Giám. Sau khi địa phương báo cáo, tỉnh đã nhất trí cho Cẩm Sơn di chuyển chùa. Tuy nhiên đặt ra yêu cầu là việc di chuyển phải bảo đảm 3 yếu tố: không mất mát, không xảy ra tai nạn và không hư hỏng. Tỉnh đồng ý hỗ trợ kinh phí vận chuyển và cử một số thành viên về giám sát kỹ thuật. Còn lại mọi phương án vận chuyển, bảo quản... đều do xã chịu trách nhiệm. "Để phục vụ cho cuộc di chuyển, xã thành lập đội 202, tập hợp một số thanh niên và những người còn đủ sức khỏe. Ngày rằm tháng 7 năm 1974 công việc di dời chính thức được tiến hành. Phương tiện vận chuyển duy nhất lúc ấy là xe bò kéo. Chúng tôi không thể dự tính được ngôi chùa nặng bao nhiêu bởi lúc ấy không có cái gì làm căn cứ đo đếm, chỉ ước tính mỗi tòa tháp cửu phẩm liên hoa đã nặng 6 tấn", cụ Hãn cho biết.
Chỉ có sức người và những phương tiện thô sơ như thế, nhân dân Cẩm Sơn đã đồng lòng di chuyển cả ngôi chùa với diện tích hàng trăm m2. Khi những viên ngói đầu tiên được dỡ xuống cũng là lúc mọi người dân già trẻ, trai gái đến hỗ trợ. Nhà nào có vật dụng như dây buộc, bao gai cũng đều huy động hết. Những vì kèo, đấu nối, then câu... bằng gỗ được bao bọc cẩn thận trong lá chuối khô. Cụ Trần Thị Chắn từng tham gia đợt di chuyển kể: "Người dân trong xã đến tham gia hỗ trợ công việc đông như hội. Chỉ cần xe bò chở vật liệu đến địa điểm tập kết là tất cả cùng xúm vào bốc dỡ. Lúc ấy trai tráng và những người trẻ tuổi phần lớn đã vào bộ đội, tham gia kháng chiến nên ở nhà những bậc cao niên cũng hăng hái làm dù không được trả công". Dù ngày mưa hay nắng, công việc di chuyển vẫn không hề ngừng nghỉ. Đã có lúc công việc gặp khó khăn bởi có những phiến đá quá nặng, những chiếc cột vừa to vừa dài... nên đã có ý kiến bỏ lại. Nhưng ban chỉ đạo của xã đã quyết tâm phải di chuyển cho kỳ hết, bảo đảm ngôi chùa lên vùng đất mới vẫn đầy đủ những dấu tích xưa. Vậy là tất cả cùng hợp lực, lựa chọn những chiếc xe bò kéo khỏe nhất để vận chuyển.
Đúng 7 tháng sau, ngày rằm tháng 2 năm 1975, mọi nỗ lực của người dân đã được đền đáp, công cuộc di chuyển chùa hoàn thành với hơn 7.000 ngày công đóng góp của nhân dân và hơn 500 chuyến xe bò chuyên chở. Ngôi chùa vẫn vẹn nguyên, không thiếu bất kỳ một vật gì so với ngày ở chốn cũ. Chỉ có 3 chiếc hoành trên trần nhà bị mục nát phải bỏ đi thay thế bằng những thân gỗ mới. Tượng 2 ông hộ pháp ở gian tiền đường bằng đất được đắp lại. Cái tài tình của những người thợ chuyển chùa là đã ghi dấu lại tất cả các chi tiết khi tháo dời để đến khi lắp lại không hề nhầm lẫn. Diện tích chùa mới cũng được đo đạc cẩn thận, chuẩn chỉnh đến từng cm bởi chỉ cần một chút sai lệch những kèo, cột, đấu, mộng... bằng gỗ sẽ không khớp nối với nhau. Ấy vậy nhưng chỉ bằng kinh nghiệm dân gian và những phương pháp vận chuyển thô sơ, người dân Cẩm Sơn ngày ấy giống như "thần đèn" phù phép cả ngôi chùa đến vùng đất mới. Đại đức Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám 17 năm nay chia sẻ: "Hằng ngày gắn bó với ngôi chùa, thấy mọi thứ đều như tồn tại từ thuở khai sinh, tôi rất cảm phục quá trình di chuyển kỳ công của người dân. Chắc chắn phải là những người đầy tâm huyết mới làm được điều tuyệt vời ấy".
NGỌC THANH/Báo Hải Dương