Kiến nghị dỡ ngay 40 móng biệt thự trái phép tại Sơn Trà
Theo đó, ngày 15 tháng 7 năm 2017, Viện Sinh thái học Miền Nam (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” nhằm góp thêm tiếng nói của các nhà khoa học về giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững.
Góc rừng phía Tây Bắc bán đảo Sơn Trà đã bị cày xới trên quy mô lớn (Ảnh: HC) |
Tham dự hội thảo có gần 190 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; các đại biểu quốc hội; các vị lão thành cách mạng, các viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước...
Sau khi nghe trình bày 12 báo cáo và 7 tham luận khoa học, tất cả các đại biểu của Hội thảo đã nhất trí kiến nghị.
Các tài liệu khoa học đã chứng minh bán đảo Sơn Trà thực sự là một vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam nằm trên thành phố Đà Nẵng. Cụ thể:
Có ít nhất 1.010 loài thực vật và 21 loài nấm lớn, trong đó có 43 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200 mét có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài Chà vá chân nâu. Có 370 loài động vật trong đó có 24 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.
Có từ 700 đến 1.300 cá thể Chà vá chân nâu. Tình trạng sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều con non trong bầy đàn. Bán đảo Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, hệ sinh thái tự nhiên nơi đây đang bị tác động nghiêm trọng. Trong 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đã bị biến mất. Nguyên nhân do việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức, rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.
Diện tích thảm cỏ biển ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 1 ha.
Các đại biểu thống nhất cần phải có những biện pháp can thiệp kịp thời để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và độc đáo của Sơn Trà khi đang từng ngày bị suy thoái.
Kiến nghị "Giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà"
Các đại biểu kiến nghị giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà. Không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch. Tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017.
Kiến nghị UBND Đà Nẵng và Chính phủ không quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thành lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà để có các giải pháp chấn chỉnh và cải thiện hiệu quả của hoạt động du lịch.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, nghiên cứu có thể thành lập Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Hải Vân-Sơn Trà.
Việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà có một thuận lợi hết sức to lớn, đó là công tác bảo tồn nằm ngay trong khu vực chiến lược an ninh quốc gia. Sơn Trà hiện đang thực thi nhiệm vụ kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm toàn bộ vùng nước Biển Đông, vịnh Bắc Bộ và không phận Đông Nam Á, vì vậy vai trò của quốc phòng đối với vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn bảo vệ an ninh, an toàn xã hội bền vững.
Theo các đơn vị gửi kiến nghị, bản dự thảo bản kiến nghị này đã được đọc tại Hội thảo để các đại biểu góp ý.