Kịch bản tăng trưởng năm 2012 hướng đến 6%
Kịch bản tăng trưởng năm 2012 hướng đến 6%
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: "Con số khoảng 48.700 DN phá sản, đóng cửa từ đầu năm tới nay cũng là sự thật chúng ta cần nhìn thẳng để thấy được khó khăn". |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy tại hội thảo Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 18.10 tại Hà Nội.
Tăng trưởng 6% trong năm 2012
Nhìn nhận diễn biến kinh tế trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, kinh tế Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, gần đây là khủng hoảng nợ công từ châu Âu. Lạm phát và lãi suất cao đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của nhiều DN, ảnh hưởng tới lòng tin của DN, người dân. Cùng với đó, tỷ giá chưa ổn định, nhập siêu vẫn gia tăng, dự trữ ngoại hối mỏng, chính sách tài khóa… vẫn là những vấn đề đáng quan tâm trong ngắn hạn.
Con số khoảng 48.700 DN phá sản, đóng cửa từ đầu năm tới nay cũng là sự thật chúng ta cần nhìn thẳng để thấy được khó khăn. Bối cảnh không mấy sáng sủa và không mấy thuận lợi là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại mô hình tăng trưởng cho năm 2012 và 5 năm tới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, Chính phủ đã lựa chọn mục tiêu cho giai đoạn 2012-2013 định hướng tới năm 2015 trình Hội nghị Trung ương 3 và Quốc hội khóa tới: ưu tiên kiềm chế hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống, củng cố quốc phòng…
Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội chỉ tiêu năm 2012 tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, “kịch bản điều hành hướng vào tăng trưởng 6%, nếu có điều kiện sẽ hướng tới đạt 6,5% để ưu tiên kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô. Vài năm tới ổn định được kinh tế vĩ mô thì sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Tái cơ cấu kinh tế: Không thể chậm trễ
Để đạt được mục tiêu tổng quát, Chính phủ đã đặt quyết tâm phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó trọng tâm là: tái đầu tư công trên tinh thần vừa giảm quy mô, tăng hiệu quả, chất lượng đầu tư công cùng việc mở rộng các biện pháp huy động vốn cho nền kinh tế; tái cơ cấu DN tập trung vào tái cơ cấu DNNN (tập đoàn, tổng công ty) để nâng cao chất lượng hiệu quả cạnh tranh DN nói chung, DNNN nói riêng; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng, định chế tài chính theo định hướng giảm số lượng tăng quy mô, tăng chất lượng đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính.
“Đây là nhiệm vụ khó khăn, phải thực hiện ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ hơn được nữa” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy, về cơ bản, thực hiện Nghị quyết 11 trong năm 2011 đã bước đầu giúp kinh tế Việt Nam phục hồi, tuy nhiên kết quả này mới chỉ trong ngắn hạn, về lâu dài vẫn còn những vấn đề về cơ cấu tác động tới hiệu quả và cạnh tranh – bà Victoria Kwakwa nói.
Cụ thể, Kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra đã chỉ ra những điểm khiếm khuyết mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải, gốc rễ của những bất ổn là do cấu trúc kinh tế của Việt Nam, đầu tư công kém hiệu quả, chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) cao, dự trữ ngoại hối Việt Nam mỏng, chỉ 2 tháng nhập khẩu so với con số chuẩn mực là 3 tháng nhập khẩu, tổng nợ Chính phủ Việt Nam so với GDP khá cao so với tốc độ phát triển hiện nay…
Cẩm Thư