Không thể quy định thời hiệu trong thi hành án hành chính
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, về nội dung Chương XIX của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định thi hành án hành chính, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hiệu thi hành án hành chính, về hoãn, tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính tương tự như trong thi hành án dân sự.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) chiều 28/5 |
Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao, thi hành án hành chính có đặc thù riêng, trong thi hành án hành chính không có cơ quan thi hành án hành chính như trong thi hành án dân sự mà việc thi hành án hành chính là việc thi hành quyết định hành chính hoặc tiếp tục thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện (nếu toà án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện) hoặc cơ quan, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (nếu toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, huỷ quyết định hành chính bị khởi kiện hoặc buộc cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện...).
Do đó, không thể quy định thời hiệu trong thi hành án hành chính. Đối với việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính được thực hiện theo quyết định của người có quyền kháng nghị bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật đã được quy định tại Điều 242 dự thảo Luật. Vì vậy, toà án nhân dân tối cao đề nghị quy định như dự thảo Luật.
Tán thành với quy định này nhưng Ủy ban Tư pháp đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) lần này bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật thi hành án dân sự cũng như cụ thể hóa đầy đủ quyền hạn của tòa án nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính và thống nhất trong hệ thống pháp luật.