"Không thể để dân gánh chịu án quá tải của tòa"
Dân cứ chạy lên ĐBQH, bảo tòa án sai...
Là một luật sư, đồng thời là một ĐBQH, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) có nhiều dịp tiếp xúc cử tri và nhận được rất nhiều ý kiến người dân khiếu nại về xét xử dân sự. “Dân cứ chạy lên ĐBQH, người thua kiện cứ bảo tòa sai” – ông Nghĩa nói.
Không đồng tình với nhiều ý kiến ĐB đưa ra trước đó về việc nên quy định thời hạn xét xử là “vô cùng”, ông Nghĩa nói thẳng, “nhân dân thì không thể chấp nhận như vậy”.
“Mỗi lần gia hạn các anh "tít" một phát là 2 tháng, tít phát nữa là 4 tháng. Có luật sư nói với tôi rằng, “tôi thách anh kiện dân sự, tôi sẽ làm cho vụ kiện này 10 năm chưa xử được”. Không thể để nhân dân gánh chịu án quá tải của tòa” – ĐB Trương Trọng Nghĩa ví von.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.Hồ Chí Minh): Người dân cứ chạy lên ĐBQH, người thua kiện cứ bảo tòa sai. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Trăn trở trước việc thời hạn xét xử vụ án dân sự bị kéo dài, án bị hủy, sửa nhiều, thậm chí là tạm đình chỉ… ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) chỉ ra nguyên nhân, là do “lỗi” định nghĩa “người có quyền, nghĩa vụ liên quan” không rõ ràng.
Ông Ánh dẫn dụ, người chủ có căn nhà cho thuê giờ muốn đòi lại nhà, nhưng theo nguyên tắc người chủ phải trả lại tiền sửa chữa căn nhà (nếu có); nhưng muốn trả tiền sửa chữa căn nhà cho người thuê thì phải nhận được sự đồng ý của vợ, con người thuê nhà. Trong khi vợ, con người thuê nhà lại ở nước ngoài, thì buộc phải ủy thác điều tra.... Nếu không ủy thác điều tra được thì không bao giờ giải quyết được tranh chấp, đòi lại nhà.
“Luật sửa đổi phải khẳng định người có quyền nghĩa vụ liên quan phải là liên quan trực tiếp tại thời điểm khởi kiện. Chứ nếu định nghĩa như hiện nay thì dễ dẫn tới cứ chờ lên cấp cao rồi kháng nghị sửa án rất phức tạp”- ông Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự án luật cho phép giám đốc thẩm được quyền sửa bản án quyết định của cấp phúc thẩm. Nếu như vậy, ĐB Ánh cho rằng, sẽ dẫn tới thực trạng đương sự không cung cấp chứng cứ tại tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà chờ khi lên tới tòa giám đốc thẩm mới cung cấp, bản án được quyền sửa, hủy ngay tại tòa giám đốc thẩm thì sẽ khiến bản chất của bản án thay đổi.
“Thay đổi một bước tố tụng này sẽ thay đổi cả hệ thống pháp luật hiện tại, dẫn tới trật tự xã hội sẽ rất phức tạp”- ĐB Huỳnh Ngọc Ánh chia sẻ.
Đồng tình với ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nêu quan điểm, về nguyên tắc giám đốc thẩm không phải một cấp xét xử, mà là thủ tục đặc biệt xem xét lại bản án, nên nếu giao Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án của cấp dưới phải cân nhắc cho những trường hợp đặc biệt. “Nếu vi phạm pháp luật về nội dung thì được quyền sửa. Còn nếu vi phạm thủ tục tố tụng và nội dung thì không nên trao quyền sửa bản án cho giám đốc thẩm, dù việc sửa sẽ thuận tiện, rút ngắn quá trình tố tụng”- ĐB Trí Thức nhấn mạnh.
Để chặt chẽ hơn, ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị ấn định thời điểm giao nộp chứng cứ. “Tại thời điểm xét xử sơ thẩm phải cam kết các chứng cứ đã xuất trình và giao nộp tòa án, sau này có trình thì cũng không có giá trị. Luật pháp phải có giới hạn chứ không thể mơn man, chiều chuộng, nhu mì thì không chấp nhận được, trừ những trường hợp có lý do khách quan. Chứ giữ lại chứng cứ mà không xuất trình thì càng làm việc xét xử kéo dài, làm đảo lộn mọi xét xử của vụ án. Công lý càng chậm trễ là công lý bất công”- ĐB Đương kiến nghị.
Tòa án không được quyền từ chối xét xử án dân sự
Thống nhất cao về quy định tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự, ĐB Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, tòa án sẽ gặp khó khăn vì dân sự là “mênh mông” nhưng phải giải quyết, không thể vì thế mà từ chối yêu cầu của dân.
Về chấp nhận án lệ, ĐB Nam bình luận, phải đảm bảo việc xét xử theo pháp luật nên án lệ phải được Tòa án nhân dân tối cao tổng kết, đánh giá, ban hành dưới dạng một văn bản như pháp luật. “Quan hệ dân sự luôn có biến động mà pháp luật không thể “duổi kịp” nên phải chấp nhận án lệ để giải quyết vấn đề”- ĐB Lê Nam nói.
Đồng tình với nhiều ý kiến của các ĐBQH đưa ra về quy định tòa án không được quyền từ chối, ĐB Uông Chu Lưu (Đoàn Thanh hóa), Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, qua tập hợp của Chính phủ, Bộ Tư pháp đa số ý kiến nhân dân đồng tình với quy định mới này. Theo Hiến pháp 2013 tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Luật dân sự rất đầy đủ, nhưng chưa thể hình dung hết được mọi vấn đề của quan hệ dân sự phát sinh trong thực tế.
“Nhiều người đặt câu hỏi, quy định như vậy có ảnh hưởng gì với việc khi xét xử, tòa án, thẩm phán độc lập và tuân theo pháp luật hay không? Không có luật làm sao tòa án xét xử”- Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.
Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự đưa ra quy định nguyên tắc yêu cầu khi xét xử thì theo tinh thần Hiến pháp. Căn cứ vào nguyên tắc cơ bản của 2 Bộ luật, vào lẽ phải, đạo lý phong tục tập quán tốt đẹp, lẽ công bằng và niềm tin nội tâm của người thẩm phán để ra phán quyết. “Tất cả cái đó, người thẩm phán, Hội đồng xét xử vận dụng vào để xem xét, phán quyết. Nếu cứ để dân tự quyết với nhau, trong trường hợp không tự định đoạt, thỏa thuận, giải quyết được sẽ nảy sinh hậu quả. Việc trao quyền này là hợp lý thôi, không có gì mâu thuẫn với việc “tuân theo pháp luật”- Phó Chủ tịch Quốc hội chốt lại.