'Không nên suy diễn Dương Chí Dũng trốn thoát do lộ thông tin'
'Không nên suy diễn Dương Chí Dũng trốn thoát do lộ thông tin'
Ngày 27/7, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) đã tham dự giao lưu trực tuyến do báo Công an Nhân dân tổ chức, trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến tội phạm tham nhũng, CSGT nhận mãi lộ, tội phạm vị thành niên.
Trước câu hỏi liệu có lọt, lộ thông tin để Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải trốn thoát, Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, cơ quan điều tra chưa có tài liệu gì phản ánh việc lộ, lọt thông tin và đang tiếp tục điều tra làm rõ, nếu phát hiện bất kỳ ai để lộ, lọt thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng chưa có thông tin, tài liệu về việc Dương Chí Dũng mất nhiều tiền để được “phím” trước và thoát thân.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên bình luận suy diễn vấn đề gì khi chưa có đầy đủ thông tin liên quan. Tuy chưa bắt được Dương Chí Dũng nhưng những tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được, lời khai của những người có liên quan và của chính Dương Chí Dũng là những bằng chứng quan trọng trong việc xác định nội dung vụ án”, Trung tướng Vĩnh cho biết.
Liên quan đến vấn đề người chưa thành niên phạm trọng tội, nhưng chỉ bị tuyên hình phạt nhẹ (cùng lắm là 20 năm, chẳng hạn như sát thủ Lê Văn Luyện chỉ phải chịu mức án 18 năm trong khi giết 3 mạng người), Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho rằng, các nghiên cứu khoa học cho thấy người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất cũng như về tâm, sinh lý. Họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống nên việc bảo vệ, chăm sóc người chưa thành niên cũng như phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người chưa thành niên phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính nhân văn.
Chính vì vậy, Bộ luật hình sự Việt Nam quy định rõ: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”, đồng thời theo các quy định về tổng hợp hình phạt thì khung hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội là 18 năm tù. Vấn đề này cũng thể hiện tính ưu việt và nhân đạo trong chính sách hình sự của Việt Nam đối với người chưa thành niên.Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho rằng, sở dĩ xã hội lên tiếng đòi phải sửa luật bởi trong thời gian gần đây có nhiều vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội mà điển hình là vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích xảy ra ở Lục Nam, Bắc Giang.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận, đồng thời gây ra làn sóng căm phẫn trong nhân dân, cần phải loại bỏ Lê Văn Luyện ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, với chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì Tòa án chỉ áp dụng hình phạt 18 năm tù đối với Lê Văn Luyện. “Sau vụ án này, có ý kiến cho rằng phải sửa đổi Bộ luật hình sự, nhưng chúng tôi thấy do Việt Nam đã ký, phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em thì chính sách hình sự đối với những người chưa thành niên được quy định trong Bộ luật hình sự hiện nay là phù hợp”, Trung tướng Vĩnh khẳng định.
Cùng tham dự buổi giao lưu còn có Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội. Trả lời câu hỏi: “Mới đây, Cộng hòa Liên bang Nga đã thông qua quy định cho phép người dân sử dụng vũ khí cụ thể là súng ngắn. Với tư cách cơ quan quản lý mảng này, thời gian tới liệu Tổng cục có tham mưu với Chính phủ cho công dân Việt Nam sử dụng súng ngắn không?”, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc cho biết: “Ở thời điểm hiện tại thì không được, còn trong tường lai thì diễn biến tùy theo tình hình xã hội, nhưng luật pháp sẽ quy định cụ thể. Bây giờ ngồi đây, tôi rất khó trả lời về vấn đề này”!
Theo Đất Việt