Không giám sát chặt chẽ giao thông là QH có lỗi với dân
Không giám sát chặt chẽ giao thông là QH có lỗi với dân
Đa số các đại biểu nhất trí với báo cáo của QH về chương trình hoạt động giám sát. Tuy nhiên, từ nghị trường, có nhiều ý kiến đề nghị QH cần phải tăng cường giám sát về hiện trạng an toàn giao thông.
Đại biểu QH thảo luận trong kỳ họp sáng nay |
Theo đại biểu Lê Thị Nga -Thái Nguyên: Tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở nên quá nghiêm trọng, Trên 80% tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu. Vì vậy, kể cả những đoạn đường tốt mới làm cũng xảy ra rất nhiều tai nạn. Muốn nâng cao ý thức của người dân, bên cạnh giáo dục thì việc phạt vi phạm rất quan trọng, nhưng cả 2 yếu tố này ở nước ta đều thực hiện không tốt. Nhiều người dân coi vi phạm pháp luật về giao thông là việc không có gì cần lên án, thậm chí có những trường hợp chống lại và gây thương vong cho cảnh sát giao thông.
"Ngược lại một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm. Điều này lý giải cho việc vì sao cũng con người ấy nhưng khi đi ra nước ngoài chấp hành luật giao thông của nước bạn rất nghiêm túc. Chúng tôi cho rằng khi bản thân người đại diện cho nhà nước thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là hệ quả tất yếu. Do đó cần nghiêm túc chấn chỉnh cả về 2 phía nhà nước và công dân", bà Nga phát biểu.
Pháp luật về giao thông được QH xây dựng khá đồng bộ, Chính phủ liên tục có các Nghị quyết chuyên đề số 13, 32, 16, 88 với những giải pháp đúng và đồng bộ, song thực hiện còn nhiều hạn chế, chế độ trách nhiệm không nghiêm. Trong ba nhiệm kỳ gần đây có khoảng trên 150 ngàn người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và QH cũng chưa miễn nhiệm một Bộ trưởng nào vì lý do này.
Đại biểu Hoàng thị Hoa- Bắc Kạn đề nghị QH cần giám sát thêm giao thông đường thủy, bởi từ năm 2005, tai nạn giao thông đường thủy liên tiếp xảy ra, cần phải có chế tài để xử lý một cách triệt để hơn.
Còn đại biểu Hồ Trọng Ngữ - Vĩnh Long, cho rằng nếu không giám sát chặt chẽ giao thông là QH có lỗi với dân. Đại biểu Ngữ đề nghị, ngay từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII cần tổ chức một cuộc giám sát tối cao của toàn thể QH về nội dung này và có nghị quyết riêng để tạo căn cứ pháp lý và sự đồng thuận của xã hội cho việc thực hiện những biện pháp mạnh, thậm chí có thể phải hạn chế một số quyền của một số tổ chức vì lợi ích của cộng đồng. Phải cho phép Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông của hai thành phố. Nếu không dùng biện pháp mạnh thì chúng ta sẽ bất lực ngồi nhìn hơn 11 nghìn người chết vì tai nạn giao thông của năm sau.
Các đại biểu khẳng định là Nhà nước ta hoàn toàn có thể có khả năng lập lại trật tự an toàn giao thông. QH và Chính phủ cần tập trung nguồn lực và quyết tâm để làm, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhiệm kỳ Khóa XIII.
Cuối buổi sáng các đại biểu đề nghị QH tập trung giám sát đầu tư công cho nông thôn, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, kinh tế xã hội…Gắn giám sát QH với các Ủy ban địa phương nhằm tạo ra hiệu lực mạnh mẽ, đồng thời đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra….
Hà Phương