Không được liên kết xuất bản sách về chủ quyền quốc gia
|
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng của QH Đào Trọng Thi |
Thu hồi giấy phép hoạt động xuất bản không hiệu quả
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng thành lập nhà xuất bản một cách cụ thể, bỏ quy định giao cho Chính phủ quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản (Điều 11).
Báo cáo nêu rõ, về điều kiện thành lập nhà xuất bản, điều kiện cấp phép hoạt động xuất bản phân định rõ việc cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập nhà xuất bản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động xuất bản; bỏ các quy định về thời hạn giấy phép; bổ sung quy định về các trường hợp cấp đổi, bổ sung giấy phép hoạt động xuất bản, thu hồi giấy phép hoạt động xuất bản nhằm đảm bảo nhà xuất bản sau khi được thành lập hoạt động hiệu quả.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản cho phù hợp với thực tiễn; bổ sung quy định đối với chức danh Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với nhà xuất bản được thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện (Điều 17).
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về điều kiện, hồ sơ cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập một cách minh bạch để quản lý và xây dựng đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp.
Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản; quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản. Đồng thời, quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.
Thắt chặt xuất bản điện tử
Quy định về xuất bản điện tử, dự thảo Luật lần này, ngoài một số quy định chung tại Chương 1 đã xây dựng một chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử (Chương V: Từ Điều 48 đến Điều 56), cụ thể gồm các nội dung sau: điều kiện hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; cách thức thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; kỹ thuật, công nghệ để xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; nộp lưu chiểu và nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam xuất bản phẩm điện tử; quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử; xử lý vi phạm; hướng dẫn thi hành về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.
“Các nội dung trên về cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện, trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử”, ông Thi nhấn mạnh.
Để quản lý hoạt động phát hành xuất bản phẩm, các cơ sở phát hành phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước. Việc cấp giấy phép chỉ nên đặt ra đối với một số loại hoạt động cụ thể như: nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh, triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm... Vì vậy, Dự thảo Luật đã bỏ quy định về các điều kiện được cấp phép và thủ tục cấp phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm; bổ sung quy định cơ sở phát hành đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước.
Dự án Luật xuất bản (sửa đổi) gồm 6 chương và 59 điều, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Xuân Hải