“Không bộ, không ban mới về Quốc hội"
ĐBQH Phùng Văn Hùng: "Tiến vi bộ, thoái vi ban. Không bộ, không ban mới về Quốc hội" |
Là người phát biểu cuối cùng, ĐBQH Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho biết: Hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội. Việc dự thảo luật xác định vị trí, vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội là một thay đổi lớn về quan điểm, là cơ sở cho việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội làm việc tốt hơn.
ĐB nhìn nhận, trong những năm gần đây hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, trong khi đó cơ chế, chính sách đối với đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa làm rõ được vai trò của đại biểu Quốc hội. Do vậy nhiều người không muốn về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Vị ĐB đoàn Cao Bằng viện dẫn một câu thơ từng "lưu truyền": "Tiến vi bộ, thoái vi ban. Không bộ, không ban mới về Quốc hội". Ông cho biết, có trường hợp một đồng chí giám đốc sở ở địa phương được bổ nhiệm làm Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thì cảm nhận như mình bị giáng chức.
Ông cho rằng, 500 đại biểu Quốc hội đến từ những ngành nghề chuyên môn rất khác nhau, nhưng đều mang trách nhiệm chính trị rất lớn trước cử tri và đồng bào cả nước. Để có được sự tự tin khi bấm nút, ngoài sự giúp đỡ của các cơ quan giúp việc, các đại biểu rất cần có người tư vấn, tham mưu trực tiếp cho mình.
“Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài sự giúp đỡ của các cơ quan giúp việc chung, mỗi đại biểu Quốc hội được bố trí từ 2 - 4 người giúp việc. Trong khi ở ta qua nhiều khóa Quốc hội, những đại biểu Quốc hội chuyên trách không phải lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội chỉ mong sao có được nửa suất thư ký mà cũng không được” – ĐB Hùng nói.
Bên cạnh đó, ĐB Hùng cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 45-50%. Đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách chính là lực lượng cơ hữu chịu trách nhiệm chính cho công tác chuẩn bị nội dung cho hai kỳ họp này còn rất mỏng. Các cơ quan của Quốc hội và bản thân các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cố gắng hết sức nhưng nhiều khi cũng cảm nhận rằng thấy quá sức vì số lượng người thường trực trong thường trực của các cơ quan của Quốc hội còn có hạn.
“Hầu hết Quốc hội các nước, các đại biểu Quốc hội đều làm việc toàn thời gian và Quốc hội họp quanh năm nên không xảy ra vấn đề tương tự. Tôi đề nghị chúng ta cần xây dựng lộ trình để trong vòng 3-4 khóa Quốc hội nữa sẽ có một Quốc hội chuyên trách như nhiều đại biểu nêu ra” – ông Hùng đề nghị.
Liên quan đến Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, ĐB cho rằng, trong khi đại biểu Quốc hội chuyên trách có toàn thời gian cho công việc của Quốc hội thì các đại biểu kiêm nhiệm chỉ có khoảng 1/3 thời gian. Vì vậy, việc phát huy hiệu quả và năng lực hoạt động của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương trong việc hỗ trợ các đại biểu Quốc hội ở địa phương và nội dung công việc là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên kể từ khi thành lập đến nay văn phòng đoàn đã trải qua những thăng trầm hết tách lại nhập, đến giờ vẫn chưa ổn định, chưa có địa vị pháp lý xứng đáng với chức năng và nhiệm vụ của nó.
“Tôi đề nghị dự thảo luật lần này cần làm rõ địa vị pháp lý của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và xác định văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội là đơn vị độc lập, tách riêng khỏi Văn phòng Hội đồng nhân dân như hiện nay”.
Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, ĐB Hùng đề nghị bổ sung quy định: đại biểu Quốc hội phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác trước khi làm đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên. Đại biểu Quốc hội không đồng thời là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.