Khởi động dự án xử lý bom mìn tại Quảng Nam do Hoa Kỳ tài trợ
Chính thức khởi động dự án dò tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Quảng Nam - Ảnh: HC |
Tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã thông báo khoản tài trợ trị giá hơn 1,6 triệu USD cho dự án dò tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình thông qua Nhóm Tư vấn bom mìn (Mines Advisory Group - MAG), đối tác của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc thực hiện các hoạt động của dự án này.
Đại sứ David Shear thông báo khoản tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho dự án này - Ảnh: HC |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Xuân Thu cho hay, tỉnh này chịu sự tàn phá nặng nề qua các cuộc chiến tranh, là trọng điểm của các trận đánh, mục tiêu của các chiến dịch ném bom với mật độ bom, mìn, vật liệu nổ dày đặc. Vì vậy, sau chiến tranh còn sót lại hàng nghìn tấn bom đạn chưa nổ rải rác trên hầu hết địa bàn tỉnh và là một trong những địa phương có diện tích và số lượng bom mìn còn sót lại nhiều nhất cả nước.
Một phần trong số hàng chục loại bom mìn được MAG tìm thấy trên địa bàn 3 xã Bình Đào, Bình Trị và Bình Minh (huyện Thăng Bình). Hiện ở 3 xã này, MAG đã xác định 383 khu vực nguy hiểm do bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh - Ảnh: HC |
"Theo quyết định của Thủ tướng cho phép tiếp nhận dự án thì dự án này sẽ được triển khai từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2014. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đánh giá cao việc triển khai các hoạt động của dự án nhằm tạo quỹ đất sạch để phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh" - ông Đinh Xuân Thu nhấn mạnh.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Xuân Thu tham quan hố chôn cất bom mìn để chuẩn bị xử lý - Ảnh: HC |
Bà Portia Stratton, Giám đốc quốc gia MAG Việt Nam cho hay, MAG có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 và bắt đầu triển khai hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Trị, sau đó mở rộng sang Quảng Bình vào năm 2003. Sau hơn 13 năm hoạt động tại Việt Nam, MAG đã tiếp cận với hơn 2 triệu người dân và rà hơn 7,7 triệu m2 đất, xử lý hơn 185.000 bom đạn các loại.
Bom mìn được đưa vào hố chuẩn bị xử lý - Ảnh: HC |
"Chúng tôi tự hào là tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo đầu tiên triển khai hoạt động tại Quảng Nam nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng người dân nơi đây. Quảng Nam là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng bom mìn nặng nề nhất tại Việt Nam và chúng tôi chắc chắn rằng dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích và kết quả tích cực cho người dân địa phương" - bà Portia Stratton nói.
Đại sứ David Shear trao bằng chứng nhận rà phá bom mìn cho một trong sáu kỹ thuật viên của Đội MAG Quảng Nam - Ảnh: HC |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear nhấn mạnh: "Hoa Kỳ cam kết làm việc cùng Chính phủ Việt Nam dọn sạch bom mìn chưa nổ. Đây là một phần trong quyết tâm chung của chúng ta nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nữa giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam".
Ngoài ra còn có 6 cô gái làm nhiệm vụ liên lạc cộng đồng - Ảnh: HC |
Ông cũng cho hay, từ năm 1989 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp khoản hỗ trợ lên đến 65 triệu USD để giải quyết vấn đề bom mìn chưa nổ ở Việt Nam. Khoản hỗ trợ này đã được sử dụng để cung cấp trang thiết bị, xây dựng năng lực cho các thể chế quốc gia, hợp đồng tài trợ với các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ cho người khuyết tật... Hiện Hoa Kỳ tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất cho lĩnh vực giải quyết bom mìn chưa nổ ở Việt Nam. Riêng năm 2012, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ trên 4 triệu USD cho các tổ chức phi chính phủ để tiến hành các chương trình hỗ trợ liên quan đến rà phá bom mìn.
Chuẩn bị phát lệnh kích nổ số bom mìn ở hố tiêu huỷ - Ảnh: HC |
Đặc biệt, Đại sứ David Shear nêu rõ, Việt Nam có kinh nghiệm quý giá trong việc giải quyết những thách thức về các vật nổ còn lại sau chiến tranh ở quy mô lớn. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và đưa ra những cam kết về tài chính, nhân lực đáng kể để xây dựng năng lực quốc gia mạnh nhằm vượt qua những khó khăn về bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chính phủ Hoa Kỳ rất trân trọng những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với vấn đề này.
Bom mìn trong hố đã được xử lý thành công - Ảnh: HC |
Nhân dịp này, ông kêu gọi Chính phủ Việt Nam làm việc với các đối tác quốc tế để đẩy nhanh hơn nữa các nỗ lực loại bỏ bom mìn chưa nổ tại Việt Nam. Đồng thời khuyến khích Việt Nam chia sẻ nhiều hơn những hiểu biết và kiến thức phong phú của mình về chủ đề này với cộng đồng toàn cầu, kể cả thông qua việc tham gia các hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên hiệp quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Xuân Thu giới thiệu với Đại sứ David Shear triển vọng của vùng biển huyện Thăng Bình sau khi hoàn tất rà phá bom mìn ở khu vực này - Ảnh: HC |
"Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò là một điển hình trong tương lai cho các nước bị ảnh hưởng bởi bom mìn chưa nổ khác trong khu vực và trên thế giới" - Đại sứ David Shear nhấn mạnh.