Khởi công xử lý dioxin: Cột mốc lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
Khởi công xử lý dioxin: Cột mốc lịch sử quan hệ Việt - Mỹ
>> Đảm bảo không còn phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Lễ khởi công dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" sáng 9/8 - Ảnh: HC |
Như Infonet đã đưa tin, dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng" do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ không hoàn lại 41 triệu USD (vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 35 tỉ đồng) thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được khởi động ngày 17/6/2011 bằng hoạt động rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng. Và đến nay, hạng mục quan trọng đầu tiên là đào xúc, vận chuyển đất nhiễm dioxin chính thức được khởi công.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ, mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng hậu quả của chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Hàng triệu hecta rừng bị huỷ hoại, hệ sinh thái rừng cho đến nay vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn. Hàng triệu người bị phơi nhiễm đã trở thành nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Khu vực ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Cùng với sân bay Biên Hoà và Phù Cát, sân bay Đà Nẵng được quân đội Mỹ sử dụng làm nơi lưu chứa, pha chế và tổ chức các chuyến bay phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh đã trở thành các điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Sau nhiều năm, chất độc đã và đang lan toả, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường sinh thái trong khu vực.
"Được Chính phủ giao trách nhiệm chính, những năm qua Bộ Quốc phòng cùng các tổ chức trong nước và quốc tế đã nỗ lực khoanh vùng, hạn chế lan toả tạm thời dioxin. Tuy nhiên việc xử lý ô nhiễm chất độc này còn gặp rất nhiều khó khăn. Phạm vi và mức độ ô nhiễm tại nhiều khu vực chưa được đánh giá chính xác, một số khu nhiễm mới vẫn đang được phát hiện và chưa có những giải pháp xử lý triệt để" - Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear chúc mừng sự kiện khởi công dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Vì vậy việc khởi công dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, tinh thần trách nhiệm của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như nỗ lực của Quân chủng PK-KQ và USAID trong việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học. Sự thành công của dự án hứa hẹn nhiều triển vọng xử lý triệt để ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và các điểm nóng khác sau này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear phát biểu đầy cảm xúc: "Sáng nay chúng ta chào mừng một cột mốc lịch sử đối với quan hệ song phương giữa hai nước. Buổi lễ này đánh dấu sự khởi đầu dự án giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID để làm sạch đất và trầm tích nhiễm dioxin để lại sau chiến tranh tại sân bay Đà Nẵng. Chúng ta đã cùng sát cánh làm việc trong nhiều năm trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau để đạt tới mốc này".
Chính thức cắt băng khởi công dự án - Ảnh: HC |
Ông nhắc lại phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2011: Dioxin trong đất ở đây là “một di sản của quá khứ đau thương mà chúng ta chia sẻ,” nhưng dự án mà chúng ta khởi động hôm nay, chung tay cùng người dân Việt Nam, là “một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng”!
Và ông cho hay, trong 5 năm tới, dự án sẽ đào xúc đất và trầm tích nhiễm dioxin, chuyển đến nơi tập trung để xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt (sử dụng nhiệt độ cao để phân huỷ dioxin trong đất bị ô nhiễm), làm cho đất đạt các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia đã có mặt để đảm bảo công việc này được thực hiện đúng quy trình như đã triển khai thành công ở hàng trăm dự án khác trên thế giới. Qua đó giúp tạo ra môi trường an toàn và trong sạch hơn cho người dân sống ở khu vực này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear: "Sự kiện này là cột mốc lịch sử đối với quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ" - Ảnh: HC |
Đại sứ David B. Shear cũng nêu rõ, cùng với hai Chính phủ Việt - Mỹ còn có sự hợp sức của nhiều tổ chức quốc tế trong sứ mệnh này. Trong đó, Quỹ Ford đã hỗ trợ nghiên cứu ban đầu để xác định các điểm nóng dioxin ở Việt Nam và ngăn lan toả ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Họ cũng làm việc với Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm giảm bớt phơi nhiễm dioxin trong khi chờ xử lý toàn diện, triệt để. Quỹ Bill và Melinda Gates, Tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ cho Việt Nam phòng thí nghiệm trị giá 6 triệu USD để phân tích dioxin với độ phân giải cao...
Từ năm 2008 đến 2012, ba đối tác của USAID là Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Hội Trợ giúp Người Khuyết tật Việt Nam đã cung cấp hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng, việc làm và giáo dục cho 11.000 người khuyết tật ở Đà Nẵng. Vào cuối tháng 9, USAID sẽ bắt đầu một chương trình mới về sức khoẻ và khuyết tật nhằm hỗ trợ những người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân, ở Đà Nẵng và những nơi khác.
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham quan và nghe giới thiệu về khu vực ô nhiễm dioxin đã được xử lý tạm thời bằng cách bê tông hoá - Ảnh: HC |
"Chúng tôi cũng đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam, UNDP và các nhà tài trợ khác chuẩn bị cho một đợt đánh giá môi trường tại điểm nóng Biên Hoà. Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất nhiễm dioxin và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản đau thương của quá khứ. Tôi mong chờ nhiều thành công hơn nữa sẽ tiếp nối trong thời gian tới" - Đại sứ Daivid B. Shear nói.
HẢI CHÂU