Kháng cáo bản án ly hôn: Vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo có khả năng tái hợp?
Trước khi VKSND TP. HCM đã chính thức kháng nghị bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ và đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm, việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đồng thời bày tỏ mong muốn được đoàn tụ với ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, tòa án sẽ thực hiện các bước tiếp theo như thế nào?
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau khi nguyên đơn có đơn kháng cáo, thủ tục tiếp theo sẽ được thực hiện như sau:
(1) Tòa án cấp sơ thẩm – Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Nếu đơn hợp lệ, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
(2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí bà Thảo phải tiến hành đóng tạm ứng án phí phúc thẩm tại cơ quan thi hành án và nộp biên lai đóng án phí cho Tòa án nhân dân TP.HCM.
(3) Sau khi nhận được biên lại đóng tạm ứng án phí phúc thẩm của bà Thảo, Tòa án sơ thẩm sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa án án cấp phúc thẩm, cụ thể là TAND cấp cao tại TP. HCM. Ngay sau khi nhận được kháng cáo, trong thời hạn 03 ngày Tòa án cấp phúc thẩm – Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ ra Thông báo thụ lý và thông báo đến các đương sự trong vụ án.
(4) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
(5) Căn cứ theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thảo được quyền rút đơn khởi kiện (đơn xin ly hôn):
Trong trường hợp, nếu ông Vũ đồng ý với việc rút đơn của bà Thảo, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, cả ông Vũ và bà Thảo vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm.
Nếu ông Vũ không đồng ý, Tòa án tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, đối với việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, mong muốn đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện nay có quan điểm cho rằng việc bà Thảo kháng cáo như trên là không hợp lệ. Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang nói:
“Yêu cầu khởi kiện của bà Thảo là cho ly hôn, tòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì việc bà Thảo kháng cáo đòi đoàn tụ là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu.”
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, đoàn Luật sư TP.HCM. |
Luật sư Huyền Trang cho rằng hiện Luật Hôn nhân và gia đình cũng chưa có quy định rõ ràng về việc này, bản thân bà cũng chưa gặp trường hợp tương tự nên không thể đưa ra kết luận.
Trong một diễn biến mới nhất, VKSND TP. HCM đã chính thức kháng nghị bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. VKS cho rằng tòa đã không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Từ đó VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.
Điều 299 BLTTDS 2015: Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm 1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau: a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định. |