Khám chữa bệnh bằng BHYT: Tránh việc bệnh nhẹ thành nặng hơn!
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đoàn ĐBQH Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Phúc Thọ chiều 25/6 (Ảnh: ND) |
Huyện Phúc Thọ, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều khu đình chùa di tích. Tuy nhiên theo phản ánh của cử tri cụm dân cư số 4, xã Cẩm Đình, trong thời gian qua việc xin giấy phép tu bổ gặp rất nhiều khó khăn do những thủ tục hành chính nhiêu khê.
Để hạn chế những bất cập, cử tri trên địa bàn đề nghị cơ quan chức năng giảm bớt thủ tục hành chính, chỉ giao cho 1 hoặc 2 cơ quan phê duyệt, tạo điều kiện và để người dân không phải đi lại nhiều lần vất vả.
Mặc dù giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, nhưng theo phản ánh của cử tri, việc đầu tư cho trường học ở nông thôn còn dàn trải, chưa đồng bộ và chưa có trọng điểm. Thậm chí còn tình trạng giáo viên toán lại điều sang…dạy văn.
Cử tri Lê Tiến Minh và nhiều cử tri khác thì phản ánh những bất cập khi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã không đáp ứng được nhu cầu. Cử tri mong được tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách cũng như cán bộ kiêm nhiệm.
Liên quan đến vấn đề y tế, cử tri bức xúc phản ánh bất cập trong khám chữa bằng BH một cách rất cứng nhắc, khi bảo hiểm ở đâu thì phải đến đó khám và điều trị.
“Chúng tôi muốn mua BH ở Bệnh viện Sơn Tây để mỗi lần đi khám và điều trị bệnh cho thuận tiện, gần nhà, nhưng bệnh viện lại bảo phải mua ở Bệnh viện Phúc Thọ, cách xa hơn gần chục cây số” – cử tri bức xúc và mong muốn ngành y tế nghiên cứu, để người dân có thể mua, khám chữa bệnh bằng BH ở tất cả các cơ sở y tế.
Một vấn đề khác cũng được cử tri quan tâm là những bất cập trong việc thực hiện chế độ đãi ngộ cho người có công. Địa bàn xã có ít nhất 4 trường hợp, dù đã rất vất vả đi lại nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết chỉ vì hết thiếu cái nọ, lại đến thiếu cái kia.
“Người có công muôn đời phải được tôn vinh chăm sóc. Chúng tôi đề nghị phải có buổi làm việc với cơ quan chức năng để tháo gỡ bức xúc này” - cử tri Vũ Thị Trường đề nghị.
Cử tri huyện Phúc Thọ phản ánh tâm tư nguyện vọng lên đoàn ĐQBH Hà Nội (Ảnh: ND) |
Cho rằng những kiến nghị chính đáng của cử tri xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thay mặt đoàn ĐBQH Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp thu các ý kiến, góp phần bổ sung vào các kế hoạch để các chính sách được thực hiện có hiệu quả hơn.
Liên quan đến chế độ chính sách cho cán bộ địa phương, hiện trên cả nước có 644 xã với khoảng 256 nghìn cán bộ xã, số lượng gián tiếp cũng rất lớn, nhưng tiền hỗ trợ lại chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ phải có sự điều tiết cho phù hợp. Nếu như trước đây chưa có thì tới đây sẽ có quy định về cán bộ công chức xã. Nhà nước sẽ quan tâm từng bước với cán bộ cấp xã, song cũng chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn. Đoàn ĐBQH sẽ phản ánh thực trạng này để từng bước khắc phục những bất cập.
Liên quan đến chính sách BHYT tự nguyện mà cử tri phản ánh, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, theo lộ trình sẽ tiến tới BH toàn dân. Đồng tình và ghi nhận các kiến nghị của cử tri, đoàn ĐBQH sẽ phản ánh cho ngành y tế, làm sao để nhiều người tham gia BHYT, nhưng việc sử dụng phải thuận tiện, không nên máy móc.
“Khám bệnh bằng BH làm sao phải tiện lợi nhất, người dân đến khám ở đâu cũng được. Không ai muốn bị bệnh và đến chữa bệnh, nhưng khi bị rồi thì phải được đến chỗ điều trị gần nhất, tránh tình trạng bệnh nhẹ thành nặng hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Về vấn đề chính sách đãi ngộ đối với người có công, đây là một chủ trương lớn rất được Đảng, Nhà nước quan tâm để đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên những vấn đề phát sinh cần phải giải quyết khắc phục diễn ra khá phổ biến, không phải của riêng một địa phương nào. Bộ trưởng đề nghị các trường hợp đang bị vướng mắc cần kê khai căn cơ hơn, xem vướng ở đâu rồi chuyển lên cho đoàn ĐBQH để chuyển đến các cấp có thẩm quyền giải quyết từng trường hợp cụ thể.