Khai mạc AMM - 44, bàn triển khai (COC) trên Biển Đông
Khai mạc AMM - 44, bàn triển khai (COC) trên Biển Đông
AMM - 44 là hội nghị nhằm Chuẩn bị các khâu quan trọng cuối cùng cho Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 19. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Xây dựng ASEAN trên 3 trụ cột
Theo kế hoạch, các Bộ trưởng sẽ tiến hành thảo luận, xem xét tổng thể các nội dung chương trình nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN-19 và các hội nghị liên quan do các quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) nhất trí báo cáo sau 2 ngày họp vừa qua.
Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - 44 (Ảnh: Reuters) |
Các nội dung nghị sự được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 xem xét, đệ trình lãnh đạo cấp cao bao gồm hàng loạt chủ đề: Vấn đề liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột; Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm như thúc đẩy đàm phán Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ); triển khai Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN; Diễn đàn Hàng hải ASEAN; vấn đề hợp tác hàng hải và triển khai Tuyên bố của các bên về quy tắc ứng xử trên Biển Đông; tình hình triển khai những mục tiêu về xây dựng cộng đồng ASEAN trong năm 2011, kết nối ASEAN, chính sách một thị thực ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Triển khai bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là chìa khóa quan trọng cho việc giữ gìn hòa bình tại khu vực này |
Triển khai 15.000 cảnh sát bảo vệ Hội nghị
** Để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 19 tổ chức tại đảo Bali trong hai ngày 17 và 18/11, và tiếp đó là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ngày 19/11, Indonesia đã triển khai khoảng 15.000 cảnh sát và binh sĩ và áp dụng tất cả các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Từ ngày 14 – 20/11, khu vực trung tâm Nusa Dua, thủ phủ của đảo Bali, nơi đặt trung tâm hội nghị quốc tế, gần như đã trở thành một pháo đài, với xe bọc thép cùng binh sĩ bố trí bên trong và vô số chốt kiểm soát đặt ở vòng ngoài. Tất cả các khách sạn tại khu vực đảo Bali đều được thiết lập hàng rào kiểm soát, đối với cả các phương tiện giao thông và khách ra vào.
Trong dịp này, mỗi khách sạn đều cấp cho khách hàng của mình một thẻ nhận dạng, trong đó ghi rõ tên khách trọ, tên khách sạn, số phòng, ngày đến và ngày đi. Theo đó, khi đi vào khu trung tâm hội nghị, mỗi cá nhân đều được yêu cầu xuất trình cả thẻ ra vào hội nghị lẫn thẻ của khách sạn.
An ninh trên biển cũng được kiểm soát chặt chẽ không kém. Hải quân nước chủ nhà đã huy động 7 chiến hạm, phối hợp với một số tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát, vừa canh chừng ngoài khơi, vừa trấn giữ tại các hải cảng xung quanh đảo.
Các đội thợ lặn và phá mìn tinh nhuệ cũng được tăng cường đến Bali. Nhiều tàu của hải quân và cảnh sát, một phi đội chiến đấu cơ F16, 6 chiếc trực thăng cùng 16 xe thiết giáp đã được bố trí để sẵn sàng ứng phó. Trong suốt thời gian hội nghị, không phận Bali được tuyên bố là vùng cấm bay.
Các nhà quan sát nhận định Indonesia huy động mọi lực lượng an ninh có thể nhằm tránh xảy ra một thảm họa tương tự như năm 2002 ở Bali, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố, trong đó đa số là du khách nước ngoài.
TTXVN