Kết nối 8 tỉnh trọng điểm phía Nam trước hết phải là giao thông!
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. |
Phải có cơ chế đặc biệt cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Phát biểu trước hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng mọi người đều thống nhất rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của cả nước. Tuy nhiên, chỉ khi được kết nối thì vùng mới phát triển, trở thành động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Đinh La Thăng, có hai kết nối đảm bảo cho vùng kinh tế phát triển bao gồm kết nối cứng như hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, logistics… và liên kết mềm như thể chế chính sách, sáng tạo và lan tỏa công nghệ, giáo dục và đào tạo, sở hữu trí tuệ, thu hút nhân tài, dịch vụ tài chính…
“Đơn giản như vấn đề tấn công tội phạm, nếu chỉ mình TP.HCM thì không làm được. Nếu không có kết nối với các tỉnh, không có sự đồng loạt ra quân, tấn công trấn áp tội phạm thì cũng như là "bắt cóc bỏ đĩa", TP làm rộ lên thì tội phạm chạy từ nội đô ra vùng ven, rồi ra Đồng Nai, Bình Dương” – ông Đinh La Thăng nêu ví dụ.
Vị Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh rằng cần xây dựng một cơ chế mới để điều phối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vì cơ chế luân phiên đã không còn phù hợp.
“Bây giờ TP.HCM (hiện đang giữ vai trò Chủ tịch - PV) cũng không thể điều phối Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước mà phải trực tiếp Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng làm chủ tịch điều phối vùng” – ông Đinh La Thăng nhận định.
Ông Đinh La Thăng cho rằng nếu không có cơ chế điều phồi này thì những cuộc gặp giữa các tỉnh trong vùng kinh tế “không cẩn thận sẽ trở thành những cuộc gặp vui vẻ, không đi vào hiệu quả”. Ông đề nghị phải xin một cơ chế đặc biệt chung cho vùng kinh tế chứ không phải cho riêng TP.HCM. Cơ chế này phải phát huy được quy hoạch, phân bổ lực lượng sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường…
“Ví dụ trong đầu tư hạ tầng giao thông, việc lựa chọn nhà đầu tư, quyết định nhà thầu nên giao cho các địa phương tự quyết định và tự chịu trách nhiệm chứ không phải trình ra Chính phủ làm gì, rất mất thời gian” – ông Đinh La Thăng nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham gia cuộc họp. |
Kết nối trước hết phải là giao thông
Liên quan đến vấn đề giao thông, ông Đinh La Thăng nhận định đây là vấn đề phải làm trước hết. Cần tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông có thể làm ngay được và xếp theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở không chỉ cho TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Phước… mà phải của cả vùng.
“Tôi đề nghị anh Đông cụ thể để quyết sớm, từ đó đề nghị ban hành sửa đổi, bổ sung chính sách quy định pháp luật để tạo vốn, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ các thành phần kinh tế khác nhau” – ông Đinh La Thăng đề nghị Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
Về kinh phí thực hiện, ông Đinh La Thăng cho rằng nên làm theo phương châm huy động nguồn lực tại chỗ, bởi “bây giờ trông chờ vào trái phiếu, vào ngân sách rất khó khăn”, thậm chí vốn đối ứng cũng không có trong khi vốn ODA rất mất thời gian và lãi suất không phải là rẻ.
“Nói gì thì nói, kết nối gì thì kết nối nhưng giao thông mà cứ 3 tiếng, 3 tiếng rưỡi mới về đến TP thì Tây Ninh không bao giờ phát triển được, tối đa là 1,5 tiếng thôi. Từ Long An về đây cũng khoảng 1 tiếng đồng hồ thôi" - ông Đinh La Thăng nói.
Để sự việc đi vào thực chất, ông Đinh La Thăng cho rằng các Sở Giao thông vận tải của 8 tỉnh cần ngồi lại và cùng ký một văn bản về kế hoạch đầu tư các dự án cụ thể với mốc thời gian hoàn thành rõ ràng, không chung chung. Ngoài ra, ông còn đề nghị các Chủ tịch tỉnh sẽ họp 6 tháng một lần để đánh giá các vấn đề hợp tác, trong đó lưu ý thêm về giao thông.