Hùng tráng chương trình nghệ thuật Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng
Hùng tráng chương trình nghệ thuật Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng
Tới dự chương trình nghệ thuật được tổ chức tối ngày 27/7 có ông Đinh Thế Huynh, Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các bộ ngành Trung ương, các cựu chiến binh cùng nhân dân Quảng Trị.
Điệu hò mộc mạc vang vọng giữa dòng sông Thạch Hãn… Từ phía bãi bồi bắc bờ sông, một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ vừa được hoàn thành soi bóng xuống bến thả hoa. Nơi đây, ban tổ chức chương trình Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng chọn làm sân khấu tái hiện những người lính 40 năm về trước chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn để vào thị xã Quảng Trị, còn có tên gọi là Bến vượt. Ngày ấy, hàng vạn người lính vượt sông, ba lô buộc chặt làm phao, đạn bắn như vãi trấu trên sông, pháo sáng bắn đầy trời… Để rồi, sau ngày hòa bình, cựu chiến binh Lê Bá Dương trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những vần thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sóng nước - Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Con gái tiễn bố vào chiến trường – hoạt cảnh mở đầu chương trình nghệ thuật Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng. |
Tại chương trình nghệ thuật Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng, ngoài những cuộc hội ngộ của những người lính, ngoài những nén hương lòng tưởng nhớ tới những người nằm xuống, người ta đã được thấy lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước qua chương trình sân khấu hoành tráng nối dài từ bờ bắc qua bờ nam sông Thạch Hãn. Cựu binh Lê Bá Dương, bùi ngùi: “Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia tên tuổi anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng Thạch Hãn và cả các dòng sông khác”.
Máu xương hơn một vạn người lính nằm xuống Thành cổ đã góp phần vào thắng lợi Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhắc đến những người lính Thành cổ đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.
Cùng với sân khấu nổi giữa dòng Thạch Hãn, không gian chương trình Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng trải dài dọc trục tâm linh Quảng Trị, từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Thạch Hãn, Quảng trường Giải Phóng, Tháp chuông đến Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị... Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng với khát vọng tạo thêm niềm tin vào sức mạnh lòng yêu nước, yêu hòa bình. Soi rọi quá khứ, giúp thế hệ trẻ thêm vững tin và có những lựa chọn trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc.
Lễ thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi vượt sông Thạch Hạn tiến vào giải phóng Thành cổ Quảng Trị năm 1972. |
Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng là chương trình nghệ thuật do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Chương trình gồm 3 phần: “Vào trận,” “Sống và chiến đấu,” “Hòa bình và Hồi sinh”. Qua đó, kết hợp hài hòa giữa những câu chuyện hào hùng của quá khứ, sự khốc liệt của chiến tranh, những nghĩa cử chân tình giữa những người đồng đội đồng chí và người dân Quảng Trị,... với Quảng Trị hồi sinh của ngày hôm nay. Và mỗi câu chuyện, mỗi nhân chứng được bộc lộ là một mảnh cắt của cuộc chiến, nhiều mảnh chân dung như thế được kết nối lại đã giúp người xem cảm nhận được một chân dung toàn cảnh về mùa hè 1972 trên mảnh đất này với tất cả sự khốc liệt và xúc cảm về vẻ đẹp nhân văn của người lính giữa bom đạn chiến tranh.
Lê Dương