Họp báo về Biển Đông: Trung Quốc đưa tiêm kích Su-27 ra Hoàng Sa
Ông Ngô Ngọc Thu – Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.(Ảnh: Lê Trí) |
“Từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng bảo vệ giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc vẫn thường xuyên duy trì từ 101 -115 tàu các loại, trong đó thường xuyên duy trì từ 4-6 tàu chiến (gồm 2 tàu Hộ vệ tên lửa 534, 572; hai tàu tên lửa tấn công nhanh 751, 756, hai tàu quét mìn 839, 840) và các lực lượng tàu chấp pháp, tàu kéo, tàu vận tải, tàu dầu, tàu cá…
Cùng với đội tàu này, Trung Quốc còn sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám (số hiệu B3566, B3843), đáng chú ý còn có máy bay tiêm kích dạng Su-27, máy bay trinh sát dạng TU-154 (số hiệu 81223) và các máy bay cảnh báo sớm dạng KJ-200 bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 500-1000m để trinh sát, đe dọa, gây tâm lý căng thẳng cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam”, ông Ngô Ngọc Thu – Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều ngày 16/6.
Phát biểu tại cuộc họp báo này, ông Ngô Ngọc Thu và ông Trần Duy Hải – Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, cũng nhiều lần lên tiếng kịch liệt phản bác những luận điệu bịa đặt và sai trái mà phía Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo gần đây, cho rằng tàu Kiểm ngư của Việt Nam đã hơn 1.500 lần đâm va vào các tàu chấp pháp của Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực giàn khoan Hải Dương -981 đang hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
“Trong cuộc họp báo gần đây, phía Trung Quốc đưa ra hình ảnh bằng chứng là mũi tàu của Trung Quốc bị hư hỏng và cho rằng đó là do tàu của Việt Nam đâm va. Đây là một bằng chứng rất phi lý và buồn cười vì theo logic thông thường các bạn cũng biết rằng không ai sử dụng mạn và boong tàu của mình để đâm vào mũi tàu của phía bên kia cả”, ông Trần Duy Hải khẳng định tại buổi họp báo.
Cũng theo thông tin do ông Ngô Ngọc Thu cung cấp, trên thực địa ngày 15/6 vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng tới 110 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan. Cụ thể, có 6 tàu chiến (2 tàu hộ vệ tên lửa 534,535; hai tàu tên lửa tấn công nhanh 751,756 và hai tàu quét mìn 839,840) cùng với 34 tàu hải cảnh, 2 tàu hải giám, 2 tàu hải tuần, 1 tàu ngư chính, 18 tàu kéo, 14 tàu vận tải và 33 tàu cá.
Điều này càng thể hiện rõ sự dối trá của phía Trung Quốc khi nói rằng họ không đưa tàu vũ trang, quân sự ra vùng biển nơi giàn khoan Hải Dương -981 đang hạ đặt trái phép.
Ông Trần Duy Hải – Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia (Ảnh: Lê Trí) |
“Chúng tôi phản bác và cho rằng lời giải thích mà phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cho rằng các tàu chiến của Trung Quốc “chỉ vô tình di chuyển bình thường qua vùng biển này” là không chính xác. Không thể thường xuyên và liên tục ngày nào cũng có từ 4-6 tàu chiến đi lại qua vùng này như thế được”, ông Trần Duy Hải tuyên bố.
Trong tuyên bố của mình, cả ông Trần Duy Hải và ông Ngô Ngọc Thu đều nhiều lần khẳng định lời cáo buộc của phía Trung Quốc đưa ra cho rằng, Việt Nam đã cử lực lượng đặc công nước, người nhái ra “quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Trung Quốc” là vô căn cứ và không đúng.
“Đến nay, Việt Nam vẫn kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình. Chúng tôi không đưa các lực lượng quân sự ra thực địa. Việc Trung Quốc đưa ra các bằng chứng như lưới, thùy phuy, mảnh gỗ, cục gỗ để nói rằng Việt Nam thực hiện các biện pháp gây nguy hại cho giàn khoan của Trung Quốc là không đúng. Đó là lưới đánh bắt thông thường của các tàu cá của ngư dân Việt Nam, khi họ bị các tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, xua đuổi, ngư dân Việt Nam đã phải cắt lưới để chạy. Hay khi vòi rồng áp lực cao của tàu Trung Quốc tấn công vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, những thùy phuy là thùng dầu, thùng sơn và những khúc gỗ sơn dùng để huấn luyện trên tàu của Việt Nam bị thổi rơi xuống biển. Trung Quốc thu vớt về và bịa đặt là bằng chứng Việt Nam tấn công tàu của Trung Quốc”, ông Ngô Ngọc Thu cho biết.
Ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: Lê Trí |
Có cùng quan điểm phản bác những sự xuyên tạc tình hình thực địa, vu khống trắng trợn đối với các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm:
“Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 lượt tàu/ngày. Các tàu Trung Quốc đã chủ động đâm va, tấn công, vây ép, uy hiếp các tàu Kiểm ngư Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn chủ động áp sát, ném các vật cứng sang tàu kiểm ngư, dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn để tấn công các kiểm ngư viên của Việt Nam, gây tổn hại về tâm lý, sức khỏe. Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc còn sử dụng phương thức tạo cớ để tàu Việt Nam đâm va như chặn đuôi, vượt lên trước các tàu Việt Nam cắt mặt để tàu Việt Nam đâm vào hoặc cố tình lùi lại với mục đích tạo ra các tư liệu giả để vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Chúng tôi khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ một tàu nào của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc như Trung Quốc đã đưa tin”.
Video khái quát tình hình Biển Đông từ ngày 27/5 đến ngày 16/6: