Hội nghị hiệp thương lần 2 tại các tỉnh Nghệ An, ĐắK LắK, Đồng Nai
Tại tỉnh Nghệ An, căn cứ số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được bầu; ý kiến của tổ chức các cấp về quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; ý kiến của một số người ứng cử, tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đã đưa ra dự kiến danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 30 người trong tổng số 36 hồ sơ hợp lệ của người ứng cử được tiếp nhận.
Trong đó có 2 ứng cử do Trung ương giới thiệu và 5 ứng cử viên tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, tỷ lệ nữ 36,6%; tỷ lệ dân tộc thiểu số 30%; trẻ tuổi chiếm 40%; ngoài đảng chiếm 10%; tái cử 10%.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị hiệp thương. |
Về danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được Ban Thường trực MTTQ tỉnh dự kiến gồm 210 người (có 1 ứng cử viên tự ứng cử) trong tổng số 251 hồ sơ hợp lệ của người ứng cử đã được tiếp nhận.
Trong đó, nữ chiếm 44,7%; dân tộc thiểu số chiếm 16,1%; trẻ tuổi chiếm 29%; ngoài đảng chiếm 5,7%; tái cử chiếm 0,9%.
Tại hội nghị, trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, các đại biểu đã cơ bản thống nhất với dự kiến ban đầu mà Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đưa ra để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và những người ứng cử HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại tỉnh Đắk Lắk, các đại biểu đã được thông qua văn bản số 1047/UBTVQH13-CTĐB, ngày 22/2/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 9 đại biểu; trong đó, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 5 đại biểu, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 4 đại biểu.
Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo tình hình giới thiệu những người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ và ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, 13 người được giới thiệu ứng cử đưa ra lấy ý kiến cử tri nơi công tác đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và được 100% cử tri nơi công tác tín nhiệm. Trong số 13 người ứng cử có 4 nữ, 9 nam; 7 người có trình độ thạc sỹ, 6 người có trình độ đại học; 100% là đảng viên; dân tộc thiểu số có 5 người, chiếm 38,46%. Về người tự ứng cử là ông Lê Thanh Tuấn sinh năm 1986, cư trú tại thôn 2 (xã Băng AĐrênh, huyện Krông Ana), trình độ cao đẳng, nghề nghiệp làm nông.
Thảo luận tại hội nghị, đa số các ý kiến thống nhất với báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Sau khi thảo luận, xem xét, 100% đại biểu dự Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 đã thống nhất biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 13 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Riêng trường hợp người tự ứng cử, các đại biểu đã thống nhất biểu quyết không đưa vào danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016- 2021 do không đảm bảo một số yêu cầu của đại biểu Quốc hội theo quy định.
Chiều cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 thỏa thuận danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, số ứng cử viên được các cơ quan, đơn vị, địa phương giới thiệu ứng cử là 160 người, trong đó, các đơn vị khối tỉnh 40 người, các đơn vị khối huyện 120 người để bầu 85 đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tại có 23 đơn vị bầu cử.
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất biểu quyết số lượng, cơ cấu và thành phần người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX nhiệm kì 2016- 2021 gồm 156 người, rút 4 người trong danh sách sơ bộ người ứng cử HĐND tỉnh sau kết quả hiệp thương lần thứ nhất.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua kiểm tra các hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh gửi đến đều đã được các cơ quan, đơn vị làm đúng và đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục hồ sơ, đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai có tính thống nhất cao, đúng luật và đạt yêu cầu cơ bản về cơ cấu, thành phần do Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã quyết định.
Cụ thể, về ĐBQH, tổng số người ứng cử là 23 người, gồm: 5 người do Trung ương giới thiệu, 15 người do địa phương giới thiệu, 3 người tự ứng cử. Trong đó, tỷ lệ đại biểu nữ là 11/23, đạt trên 47,8% (dự kiến có 35%); đại biểu trẻ tuổi có 7/23, đạt tỷ lệ trên 30% (dự kiến 5%) và đại biểu tái cử là 3/23, đạt tỷ lệ trên 13% (dự kiến 10%)..., cao hơn so với hiệp thương lần thứ nhất.
Riêng về đại biểu HĐND tỉnh sẽ có 148 người tham gia ứng cử, trong đó có 147 trường hợp được các cơ quan, đơn vị giới thiệu; 1 trường hợp tự ứng cử. Hầu hết các đơn vị đều đạt yêu cầu về định hướng, nhưng có 11 đơn vị chưa đạt yêu cầu kết hợp về yêu cầu nữ, trí thức, đảng viên, ngoài Đảng. Tuy nhiên, hội nghị cũng thống nhất thông qua danh sách này vì cho rằng đã đảm bảo yêu cầu quan trọng về cơ cấu, định hướng.
Điều đáng chú ý là trong số đại biểu ứng cử HĐND tỉnh, tỷ lệ đại biểu nữ, trẻ tuổi, ngoài đảng có tăng so với dự kiến tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Cụ thể, đại biểu nữ có 60/148, chiếm trên 40% (dự kiến hơn 36%); ngoài đảng có 20/148, đạt trên 13,5% (dự kiến trên 10%); trẻ tuổi 48/148, đạt trên 32% (dự kiến trên 15%). Bên cạnh đó, ở khối nghề nghiệp có điều chỉnh tăng 2 ứng cử viên, đơn vị sự nghiệp tăng 1 ứng cử viên và khối sở, ban, ngành giảm 3 ứng cử viên.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nhất trí cao thông qua biên bản và danh sách sơ bộ của những người ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh.