Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên thứ 4
Đây cũng là Phiên họp đầu tiên của Hội đồng bầu cử quốc gia sau khi được kiện toàn.
Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, đại diện Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ban công tác đại biểu và đại diện các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia chụp ảnh chung tại phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tại phiên họp này, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng bầu của quốc gia mới được kiện toàn sau Kỳ họp thứ 11.
Việc điều chỉnh phân công nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia xuất phát từ kết quả của việc kiện toàn nhân sự của Hội đồng tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã dành thời gian xem xét báo cáo tình hình triển khai công tác bầu cử. Báo cáo tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 12/4/2016 cho thấy, công tác chuẩn bị bầu cử tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ.
Theo thống kê Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đến các địa phương để tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú nhận xét và biểu thị sự tín nhiệm đối với người ứng cử.
Từ ngày 22/3 đến 12/4/2016, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân cùng cấp nơi có người ứng cử cư trú đã triệu tập và chủ trì việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho 197 người được giới thiệu ứng cử tại 115 xã, phường, thị trấn thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó thành phố Hà Nội có 157 người lấy ý kiến ở các tổ nhân dân thuộc 75 phường, xã; Thành phố Hồ Chí Minh có 7 người lấy ý kiến ở các tổ nhân dân thuộc 7 phường; còn lại 33 người lấy ý kiến ở các phường, xã thuộc 22 tỉnh, thành phố khác).
Đến hết ngày 11/4, có 24 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử là người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp biên bản và Trung ương. Đến ngày 12/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được đầy đủ 197 Biên bản về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với 197 người (khối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương) được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bảo đảm đúng thời gian theo quy định của luật.
Trong giai đoạn này, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức 6 đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình chuẩn bị bầu cử ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phiên họp, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, nghe tờ trình và thảo luận về việc thành lập và triển khai các đoàn giám sát để kiểm tra công tác bầu cử ở các địa phương (đợt 2 và 3) và một số nội dung có liên quan.
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của hệ thống các cơ quan liên quan, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tiểu ban, thành viên của Hội đồng.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để công tác bầu cử đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật về bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Về những công việc chính, sau phiên họp, vào ngày 14/4, các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các tiểu ban xây dựng Hiệp thương lần thứ ba với đầy đủ thành phần tham dự.
Ở các địa phương, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, nhất là hoạt động kiểm tra và hiệp thương lần thứ ba. Công tác phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương đảm bảo đúng nguyên tắc và đúng tiêu chí phân bổ.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cũng lưu ý về Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sắp tới và việc chuẩn bị nội dung ban hành Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, trong đó phải đảm bảo đạt tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị, ủy ban bầu cử các cấp trên cơ sở Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức để ban hành nghị quyết theo từng đơn vị bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh về công tác rà soát danh sách cử tri, niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; cho rằng, trong hoạt động của người ứng cử tiếp xúc cử tri, gặp gỡ cử tri phải bảo đảm tính bình đẳng giữa các ứng cử viên trên từng đơn vị bầu cử; tạo điều kiện, hướng dẫn tập huấn để các ứng cử viên làm chương trình hành động súc tích ngắn gọn trình bày trước cử tri.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cũng bày tỏ sự tán thành về kế hoạch của Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhóm nữ nghị sỹ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ với Cơ quan quản lý nhà nước bình đẳng giới tổ chức những đợt tập huấn nâng cao kỹ năng cho những ứng cử viên là nữ, người dân tộc thiểu số...
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các thành viên Hội đồng chú trọng công tác kiểm tra giám sát theo kế hoạch phân công, kết hợp hoạt động chỉ đạo ngành với công tác kiểm tra để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại các địa phương; nhấn mạnh, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử cũng như đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân, để Ngày Bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân tộc./.
Theo TTXVN