Học ngoại ngữ
Ảnh minh họa. |
Thực ra thì không nên bi quan như vậy. Tình hình học ngoại ngữ ở trung học và khả năng sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, nhìn chung, mặc dù không thể so sánh với Singapore hay Hongkong, nhưng cũng không thua kém nhiều lắm với những nước châu Á, nếu bạn có cơ hội, hãy hỏi những người bạn nước ngoài của mình, họ sẽ nói cho bạn biết điều này qua cảm nhận của họ ở Việt Nam và những nước khác. Nhưng việc sử dụng ngoại ngữ trong công việc, thì quả là tệ hơn rất nhiều.
Ví dụ, trong khu vực công quyền, chúng ta có thể thấy tình trạng khá phổ biến, là quan chức, cán bộ khi tiếp xúc, nói chuyện với khách nước ngoài, đều phải kèm theo một người phiên dịch, đến nỗi, với nhiều người, việc sử dụng phiên dịch đã được coi như là một nguyên tắc trong tiếp khách nước ngoài. Ở các cơ quan, doanh nghiệp vẫn tồn tại một bộ phận quan hệ quốc tế chỉ để dịch tài liệu, phiên dịch khi tiếp xúc làm việc với nước ngoài,...
Cách sử dụng và "đối xử" với ngoại ngữ như vậy, khiến nó không trở thành như cầu thực tế, bởi nó không tạo ra nhiều giá trị cho người sử dụng.
Thực tế, tất nhiên là không như vậy. Chúng ta đều hiểu rằng, hiểu biết thêm về một ngôn ngữ giúp chúng ta biết thêm về một nền văn minh, biết tiếng Anh chẳng hạn, có thể giúp chúng ta tiếp cận với một kho tàng văn hoá và kiến thức khổng lồ của nhân loại, khi ngôn ngữ này ngày càng trở nên phổ biến, biết tiếng Trung Quốc không chỉ giúp chúng ta giao dịch với một nền kinh tế lớn của 1/3 dân số thế giới, còn giúp chúng ta nhìn vào những thư tịch và di sản ngàn đời của chính cha ông chúng ta trong đền đài miếu mạo.
Ngôn ngữ thậm chí sẽ thay đổi cách chúng ta tư duy và tiếp cận với văn minh, ứng xử và thói quen hàng ngày. Sẽ là rất tốt, nếu chúng ta có thể thay đổi, để có thể có thêm một ngôn ngữ được sử dụng bên cạnh tiếng Việt, tiếng Anh sẽ là lựa chọn đương nhiên, bởi cả thế giới cũng đang lựa chọn như vậy.
Vấn đề là chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận.
Việc học ngoại ngữ cần thiết phải được phát triển không chỉ ở trong nhà trường, mà nên được thúc đẩy ở trong toàn xã hội, và nên được coi là một mục tiêu chiến lược của giáo dục thường xuyên lẫn giáo dục trong nhà trường.
Cũng không thể và không nên chỉ tìm cách phát triển, nâng cao việc dạy ngoại ngữ theo cách truyền thống, giữa thầy và trò, mà còn cần phải cân nhắc, phát triển việc học và dạy ngoại ngữ dựa trên những nền tảng và cơ sở công nghệ hiện đại. Việc giáo sư Louis Von Ahn và các đồng nghiệp và sinh viên ở trường CMU phát triển Duolingo, chỉ với đội ngũ 42 người đã phát triển Duolingo trở thành công cụ dạy và học ngoại ngữ cho 23 ngôn ngữ (trong đó có tiếng Anh cho người nói tiếng Việt) đang được hơn 100 triệu người sử dụng hàng ngày, cung cấp cả dịch vụ kiểm tra TOEF đã được một số trường đại học ở Mỹ công nhận, nên được coi là một ví dụ về cách tiếp cận hợp lý đối với việc phát triển và thúc đẩy việc học ngoại ngữ ở nước ta.
Điểm thi ngoại ngữ thấp, vì thế, không phải là điều đáng ngại, nhưng tôi nghĩ, điều đáng ngại hơn, là chúng ta hình như đang lạc đường, khi phát triển việc dạy ngoại ngữ trong xã hội và dân chúng.