Hoàng Sa trong nỗi nhớ của các nhân chứng sống
Hoàng Sa trong nỗi nhớ của các nhân chứng sống
> "Kỷ yếu Hoàng Sa" ra mắt xúc động và ấn tượng
Trong ký ức của các nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa thì nơi đây vừa rất thơ mộng, vừa đầy khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả là luôn ăm ắp tình người, không chỉ giữa người Việt với nhau mà còn giữa người Việt trên đảo với ngư dân Trung Quốc gặp nạn trên biển.
Nhân chứng Nguyễn Văn Nhự kể về những hồi ức của mình được ghi trong tập sách "Ký ức Hoàng Sa" - Ảnh: HC |
Một Hoàng Sa thơ mộng...
Chiều 9/1, tại Bảo tàng Đà Nẵng, cuốn sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) chủ trì, NXB Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT) xuất bản đã có buổi ra mắt hết sức xúc động và ấn tượng. Tại đây, phóng viên Báo điện tử Infonet đã có dịp gặp gỡ các nhân chứng từng sống, làm việc ở Hoàng Sa và nghe họ kể về nơi đây.
"Hoàng Sa trong tôi là những buổi sáng mai hay sau những chiều nhạt nắng, tôi nghe những cơn sóng thì thầm cùng những làn gió từ biển khi thổi đến trong mát như tiếng của người yêu, em đợi anh về...". Quần đảo Hoàng Sa đã hiện lên đầy thơ mộng và lãng mạn như thế trong ký ức của ông Nguyễn Văn Dữ (sinh năm 1953, hiện ở tổ 35 Mân Quang 1, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Ông Phạm Khôi (sinh năm 1942, hiện ở tại 128/5 Quang Trung, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), người đã từng có thời gian dài ở Hoàng Sa bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không thể quên với Hoàng Sa. Mỗi khi nhớ đất liền, ông Khôi thường đi tìm bắt những con ốc chân tượng, ốc hoa phơi khô cất giữ để làm quà kỷ niệm khi rời đảo về lại đất liền. Đến nay đã gần 30 năm, ông Phạm Khôi vẫn còn lưu giữ một số vỏ ốc nhặt từ trên đảo để làm vật kỷ niệm về Hoàng Sa. Ông đã tặng kỷ vật này cho UBND huyện Hoàng Sa đưa vào trưng bày tại Phòng trưng bày những tư liệu lịch sử Hoàng Sa.
Đặc biệt, do tính chất công việc của mình nên ông Phạm Khôi rất thông thạo địa hình trên quần đảo Hoàng Sa. Nhận thấy trong số các tư liệu, hiện vật... mà các nhân chứng cung cấp còn thiếu bản đồ của quần đảo này, ông đã dành gần một tuần tập trung nhớ và sơ phác lại sơ đồ quần đảo Hoàng Sa để tặng cho UBND huyện Hoàng Sa.
Nhân chứng Phạm Khôi tặng UBND huyện Hoàng Sa bản sơ phác sơ đồ quần đảo Hoàng Sa do chính tay ông vẽ - Ảnh: HC |
Và một Hoàng Sa hết sức khó khăn nhưng ăm ắp tình người
"Ở trên đảo Hoàng Sa có cái giếng lạ lắm, nước múc lên đun nóng mới uống được còn để nguội thì rất mặn. Nhưng uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng, thuốc men lại không có, chỉ biết dùng đường và sữa để chữa bệnh khi đau mà thôi. Anh em lúc đó chia sẻ với nhau từng thìa đường, miếng sữa. Những lúc đó mới thấy được tình cảm của anh em như thế nào" - ông Phạm Khôi kể lại những khó khăn trong thời gian sống trên đảo Hoàng Sa:
Những vỏ ốc chân tượng, ốc hoa do nhân chứng Phạm Khôi đem về từ Hoàng Sa được tặng cho Phòng trưng bày tư liệu lịch sử về quần đảo này - Ảnh: HC |
Ấy vậy mà... "Có một lần bão đến bất ngờ, một con tàu Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo trong đêm. Mặc dù lương thực sử dụng phải tính toán chi li nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn kẻ bên mình đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu về lại quê hương". Đó là câu chuyện mà ông Trần Hoà (sinh năm 1954, hiện ở tổ 5, khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) từng trực tiếp chứng kiến trong thời gian ở đảo Hoàng Sa hồi tháng 10/1973.
Nhưng rồi ngày 19/1/1974, chính hàng loạt tàu đánh cá có trang bị vũ trang của Trung Quốc đã hợp sức với tàu chiến của hải quân nước này đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa.
HẢI CHÂU