Hoàn tất nâng cấp 10 cầu đường sắt yếu ở miền Trung
Khởi công cầu vượt đường sắt theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng
Lễ khánh thành gói thầu nâng cấp 10 cầu đường sắt yếu ở miền Trung tổ chức ngày 10/10 - Ảnh: HC |
Gói thầu CP2 được khởi công ngày 1/5/2010, nâng cấp 10 cầu yếu gồm Phò Trạch, Truồi, Thừa Lưu (Thừa Thiên Huế), Nam Ô (Đà Nẵng), Bầu Sấu, Châu Lâu, Bầu Thinh, Tam Kỳ, Bà Bầu và An Tân (Quảng Nam) thuộc Dự án nâng cao an toàn các cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM.
Tổng giá trị hợp đồng của gói thầu là 3,048,205,000 yên Nhật và 296,398,713,000 VNĐ bằng vốn vay ODA Nhật Bản, do liên danh nhà thầu Tekken - Yokogawa - Thang Long - Marubeni thi công, Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, BQL Các dự án đường sắt (RPMU) làm đại diện chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, gói thầu CP2 dự kiến hoàn thành vào ngày 31/10/2012 nhưng các đơn vị thi công đã nỗ lực đưa gói thầu này về đích trước thời hạn 20 ngày. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), 10/10 cầu đã được thay thế dầm mới đảm bảo an toàn và chất lượng.
Đại diện Đường sắt Việt Nam cho hay, kế hoạch chạy chậm phục vụ thi công được nhà thầu tuân thủ và trả tốc độ chạy tàu đúng lịch, góp phần nâng cao an toàn chạy tàu trên tuyến, nâng cao năng lực vận tải của Đường sắt Việt Nam, rút ngắn hành trình chạy tàu từ Hà Nội - TPHCM.
Việc hoàn thành sớm gói thầu CP2 sẽ giúp tăng tốc độ chạy tàu trong phạm vi gói thầu, giảm tốc độ ở các khu vực đông dân cư để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt - Ảnh: HC |
Riêng 2 cầu: Nam Ô (Đà Nẵng) và Châu Lâu (Quảng Nam) do thay đổi thiết kế và vướng chướng ngại vật trong quá trình thi công nên bắt đầu triển khai chậm hơn 6 tháng so với các cầu khác. Mặc dù vậy, nhà thầu đã quyết tâm và hoàn thành đúng tiến độ.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng nêu rõ, theo quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, giao thông đường sắt cần đạt 25-30% về tấn hàng hóa; tốc độ chạy tàu 80km/h đối với tàu hàng, trên 100km/h đối với tàu khách và nâng cấp tuyến đường sắt đạt cấp kỹ thuật quốc gia. Do vậy, đòi hỏi ngành đường sắt tiếp tục đẩy nhanh việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc- Nam. Ngoài việc triển khai và hoàn thành dự án 44 cầu, Đường sắt Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tiếp theo để đạt lộ trình đã đề ra.
“Việc hoàn thành CP2, gói thầu đầu tiên của dự án 44 cầu, dù gặp khó khăn phải thi công trải dài trên địa bàn 3 tỉnh, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu cũng như rất nhiều khó khăn khác do điều kiện địa lý, di tích lịch sử để lại, nhưng liên danh nhà thầu Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp nhịp nhàng, đưa công trình về đích đúng tiến độ, trở thành điểm sáng để các gói thầu khác trong dự án cũng như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông khác cần noi theo!" - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, sau khi gói thầu CP2 hoàn thành sẽ đủ điều kiện để tăng tốc độ chạy tàu trong phạm vi gói thầu. Điều đó cũng có nghĩa, nếu trước mắt chưa rút ngắn được hơn nữa thời gian chạy tàu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam thì vẫn có thể giảm tốc độ ở các khu vực đông dân cư. Nhờ vậy sẽ giảm thiểu được TNGT đường sắt và đó là điều mà cả xã hội đang rất quan tâm.