Hỗ trợ doanh nghiệp phải đi đôi với kiềm chế lạm phát
Hỗ trợ doanh nghiệp phải đi đôi với kiềm chế lạm phát
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012. |
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 27/5, Chính phủ đã họp phiên họp thường kỳ tháng 5/2012.
Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng; từng ngành, từng lĩnh vực đều có xu hướng phục hồi, vượt qua khó khăn.
Về một số mặt cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tục từ tháng 3/2012 cho đến nay và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước: CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05%, tháng 5 tăng 0,18%. So với tháng 12/2011, CPI tháng 5/2012 tăng 2,78%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Nhiều biện pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất như giảm trần lãi suất tiền gửi, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khẩu, liên ngân hàng… đã được triển khai thực hiện đồng bộ. Trần lãi suất tiền gửi từ 14%/năm giảm xuống còn 12%/năm. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, chương trình đầu tư nhà ở xã hội… cũng được chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đã giảm 2 – 3%/năm so với năm 2011; lãi suất cho vay đã giảm 1 – 4%, riêng lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ đã giảm xuống 13,5 – 15%.
Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Nguồn cung ngoại tệ tăng do xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm và nhu cầu đồng nội tệ tăng mạnh nhờ việc giảm lãi suất. Cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể có diễn biến tích cực; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước được cải thiện.
Hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước 5 tháng đạt 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2012 ước trên 43,48 tỷ USD, tăng 6,6%.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm khoảng 622 triệu USD, bằng 1,45% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua (cùng kỳ năm 2011, nhập siêu hơn 6,25 tỷ USD), có tác động tích cực trong cân đối và dữ trữ ngoại tệ của nhà nước.
Mặc dù vẫn gặp những khó khăn, song nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản xuất công nghiệp 3 tháng gần đây đã có chiều hướng cải thiện khá rõ rệt.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, phát triển sản xuất ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện đời sống và thu nhập người dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp. |
Hiện các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được trên 1,15 triệu ha lúa đông xuân, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được trên 1,9 triệu ha lúa đông xuân. Ước tính sơ bộ, sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,83 triệu tấn, tăng 3,3% so với vụ đông xuân năm 2011. Diện tích gieo cấy lúa hè thu ở các tỉnh phía Nam đến 15/5/2012 ước đạt trên 1,3 triệu ha, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 2.074,5 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng nuôi trồng tăng 4,8%, sản lượng khai thác tăng 3,1%.
Hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động trên khắp cả nước, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2012 tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chú trọng an sinh xã hội
Trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho trên 612.130 người, trong đó xuất khẩu lao động khoảng gần 32.140 người. Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội như thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công; hỗ trợ thiếu đói. Tính chung 5 tháng đầu năm 2012 đã hỗ trợ cứu đói khoảng 20.700 tấn lương thực và khoảng 23,2 tỷ đồng; hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, xóa nhà dột nát; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các Bộ, ngành chức năng và các địa phương cũng đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.528 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 4.000 người và làm bị thương trên 3.320 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 20,7%, số người chế giảm 17,6% và số người bị thương giảm 24,7%.
Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số phát triển công nghiệp 5 tháng chỉ tăng 4,2%, bằng 50% so với tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phải thu hẹp quy mô tăng; giải ngân vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ còn chậm.
Giải quyết hiệu quả khó khăn của nền kinh tế
Theo đề xuất của nhiều Bộ trưởng, trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cần hết sức lưu ý tới việc giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức, tồn tại hiện nay của nền kinh tế, trong đó đáng lưu ý là lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; các áp lực tăng giá đầu vào, nhất là giá điện, xăng dầu và các vật tư thiết yếu khác gây thêm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng nhanh ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp đã đề ra trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; cùng với đó, bên cạnh phân loại, khoanh và xử lý nợ xấu cũng cần cân nhắc, xem xét tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nợ xấu, song khoản nợ xấu phát sinh là do khách quan, do cơ chế, do tác động khó khăn kinh tế chung gây ra và bản thân các doanh nghiệp này vẫn có điều kiện phục hồi sản xuất và phát triển đi lên để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế khi được hỗ trợ.
Đồng tình với ý kiến cần tập trung mạnh vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với vốn tín dụng của ngân hàng nhưng không thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ dẫn đến lạm phát cao trở lại, làm bất ổn kinh tế vĩ mô.
Cho biết chỉ số tồn kho còn khá cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ hơn nữa các giải pháp mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho. Ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt lộ trình giảm lãi suất, xử lý tốt nợ xấu… Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đề xuất việc quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế, cho đây cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sắt, thép, xi măng.
Nhận định với dự báo lạm phát năm nay ở mức trên dưới 7%, qua đó chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh nhấn mạnh các cấp, các ngành cần sự nỗ lực cao độ nhằm duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, không để tăng trưởng ở mức quá thấp; đồng thời thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản hàng hóa trên thị trường xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị ngành Ngân hàng xem xét và sớm tháo gỡ vưỡng mắc về việc tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.
Các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh cần hết sức lưu ý đến việc thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp phải giải thể, ngừng sản xuất hoặc bị thu hẹp quy mô sản xuất; rà soát, sửa đổi, hoặc xóa bỏ các rào cản làm hạn chế hiệu quả đầu tư; cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu bằng nhiều biện pháp đồng bộ, gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý trong sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, tín dụng.
Kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảm đảm an sinh xã hội…, chưa điều chỉnh bất cứ mục tiêu gì theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phải đi đôi với giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là phải tăng tổng cầu cho nền kinh tế để hỗ trợ thị trường. Đây không phải là gói kích cầu mà tăng theo kế hoạch đã đề ra; tăng tổng cầu phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là không gây lạm phát cho năm sau và đảm bảo cho tăng trưởng hợp lý. Đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Tiếp tục lộ trình hạ lãi suất cả huy động và cho vay, ngân hàng sớm đưa ra cơ chế xử lý nợ xấu; giữ ổn định tỷ giá, khẩn trương cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế… đồng thời luôn nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ,… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.
Thực hiện tốt chính sách tài khóa, giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua là 4,8% GDP; đảm bảo cân đối thu chi, không để bị xáo trộn.
Xem xét ưu tiên ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án hoàn thành trong năm 2013; không ứng vốn tràn lan, không đúng trọng tâm, trọng điểm, gây lạm phát.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng phiên họp. |
Về hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có thế mạnh.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin kịp cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình các mặt kinh tế-xã hội của đất nước, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.
Theo Chinhphu.vn