Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: Mua điểm, thiếu năng lực thì khó vượt qua các cửa ải
Đây là khẳng định của GS. TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội với Infonet về câu chuyện, một số học sinh được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; trong đó có tới 3 sinh viên (được nâng điểm) đang theo học tại đây. Điều này khiến dư luận dấy lên lo ngại, nếu không được phát hiện kịp thời, những sinh viên này nếu tốt nghiệp ra trường sẽ ... "hại người" chứ không phải là học để cứu người.
Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, GS.TS Tạ Thành Văn:Để tốt nghiệp trường Y, các sinh viên phải học hành vất vả 6 năm trời và phải vượt qua nhiều kỳ thi hết môn, thi tốt nghiệp rất khó khăn với chuẩn đầu ra của từng môn học và của cả khóa. Do vậy, nếu năng lực sinh viên không đáp ứng được thì không dễ dàng vượt qua các cửa ải như vậy. |
-Xin Giáo sư cho biết, nhà trường có hướng xử lý như thế nào đối với sinh viên người Sơn La đang theo học tại trường, có kết quả chấm thẩm định không đúng với kết quả vào trường? Được biết nhà trường có chủ trương cho thôi học đối với những sinh viên không đủ điểm xét tuyển đầu vào, quyết định này đã được thực hiện chưa, thưa giáo sư?
GS. TS Tạ Thành Văn: Sau khi nhận được danh sách chính thức từ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La gửi, nhà trường sẽ triệu tập ngay cuộc họp của Hội đồng và xem xét theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ các trường ĐH và các sở GD-ĐT địa phương căn cứ vào kết quả chấm thẩm định để xử lý vấn đề về tốt nghiệp THPT và xét đại học (ĐH).
- Sau tình huống này, dư luận không khỏi băn khoăn nếu vụ việc không được phát hiện, liệu sinh viên này có nhận tấm bằng cử nhân y khoa hay không? Và họ không khỏi bức xúc, nếu điều đó xảy ra, thì đúng là trường Y đã đào tạo ra những bác sĩ... "hại người" chứ không phải cứu người. Ông có cho rằng, bức xúc của người dân là hợp lý?
GS. TS Tạ Thành Văn: Chúng ta không chấp nhận bất cứ một việc làm khuất tất, sai trái nào. Sự việc (nâng điểm) đã được phát hiện và xử lý triệt để. Về phía nhà trường, để tốt nghiệp trường Y, các sinh viên phải học hành vất vả 6 năm trời và phải vượt qua nhiều kỳ thi hết môn, thi tốt nghiệp rất khó khăn với chuẩn đầu ra của từng môn học và của cả khóa. Do vậy, nếu năng lực sinh viên không đáp ứng được thì cũng không dễ dàng vượt qua các cửa ải như vậy.
- Từng có nhiều năm tham gia nghiên cứu, công tác ở nước ngoài, ông thấy rằng, các nước đào tạo y khoa có giống như Việt Nam hay không (đặc biệt trong khâu tuyển chọn sinh viên đầu vào)?
GS. TS Tạ Thành Văn: Mô hình đào tạo bác sĩ y khoa ở nước ta hiện không hoàn toàn toàn giống bất cứ nước nào trên thế giới. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện quá trình đào tạo y khoa mà tiên phong là 2 trường: Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế với dự án vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).
- Sau vụ việc này, với tư cách là hiệu trưởng một trường ĐH đào tạo ra những thế hệ bác sĩ cứu người lớn nhất cả nước, ông có kiến nghị gì nhằm kiểm soát chất lượng sinh viên đầu vào cũng như nâng cao chất lượng đầu ra? Ông có ủng hộ chủ trương các trường tự chủ trong tuyển sinh như trước; hoặc cần đổi mới hình thức thi tuyển để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh không, thưa giáo sư?
GS. TS Tạ Thành Văn: Như tôi nói ở trên, đổi mới quá trình đào tạo bác y khoa là một việc bắt buộc và mang tính cấp thiết. Quá trình đổi mới phải toàn diện từ khâu tuyển đầu vào, đổi mới mô hình đào tạo, chương trình đào tạo và quản trị đại học, kiểm định chương trình và cơ sở đào tạo… Đồng thời, phải đầu tư mọi nguồn lực cho sự đổi mới này, trong đó đội ngũ giảng viên là quan trọng nhất; rồi đến cơ sở vật chất, cơ sở thực hành…
Tự chủ đại học là tiến trình tất yếu. Tuy nhiên để thành công, chúng ta phải có đầy đủ và đồng bộ các văn bản luật và tất cả các văn bản này phải cùng mục tiêu là hỗ trợ và thúc đẩy quá trình tự chủ đại học. Nếu không có được điều này thì việc thực thi tự chủ sẽ rất khó khăn.
Xin cảm ơn GS!
Cơ quan điều tra đã phát hiện có 3 thí sinh được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 đang theo học tại ĐH Y Hà Nội. Trong đó, có 1 thí sinh quê Sơn La trúng tuyển vào trường với số điểm cao, khi điểm chấm lần đầu công bố là 28,4 điểm nhưng sau khi chấm thẩm định chỉ là 13 điểm - giảm hơn 15 điểm (trong khi điểm chuẩn của ngành Y Đa khoa là 24,75 điểm). Hai thí sinh còn lại thuộc tỉnh Hòa Bình. Trường ĐH Y Hà Nội đã gửi công văn đến Sở GD-ĐT Hòa Bình và Sở GD-ĐT Sơn La nhưng hiện mới chỉ nhận được thông tin từ Hòa Bình mà chưa có thông tin từ Sơn La. Trong danh sách thí sinh được nâng điểm thi mà Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi về trường, có 2 thí sinh đỗ vào ngành Y Đa khoa năm 2018. Trong đó, 1 thí sinh có điểm thực không đủ điều kiện trúng tuyển vào trường. Một thí sinh có điểm 1 môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị giảm 2 điểm so với điểm thực ban đầu. Với trường hợp này, nhà trường đang chờ công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình thông báo thí sinh này có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không thì trường mới có biện pháp xử lý. Với những trường hợp thí sinh không đủ điểm đỗ, nhà trường sẽ xử lý theo đúng Quy chế tuyển sinh là buộc thôi học. |