“Hiến pháp sửa đổi hoàn tất chờ ngày Quốc hội bấm nút”
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (Ảnh: XH) |
Thưa ông, ngày 28/11 tới đây Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong quá trình thảo luận cũng như tiếp thu ý kiến nhân dân, những vấn đề nào nhận được nhiều sự quan tâm và cần sự thống nhất cao?
Qua quá trình thảo luận, lần cuối cùng vẫn còn một số vấn đề, có ý kiến khác nhau cần lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội để có tính thống nhất, trong đó có lĩnh vực kinh tế và tổ chức bộ máy, tập trung vào chương Chính quyền địa phương.
Điểm mới là nhập chương kinh tế trước đây ở Chương 2 với Chương 3 thành một chương, trước đây chương kinh tế quy định rất dài, nhiều điều, cụ thể. Để đảm bảo tuổi thọ của bản Hiến pháp, lần này, qua nghiên cứu cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, thì phần kinh tế cần mang tính phổ quát. Thay vì trước đây như Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 quy định cụ thể các thành phần kinh tế, thì Hiến pháp lần này quy định chung mô hình kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Liên quan đến cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, cũng có những ý kiến cho rằng không nên ghi vào. Cá nhân tôi qua nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài, tôi cho rằng có quy định hay không quy định về bản chất ở bất cứ một nhà nước nào, thì trong quan hệ giữa nhà nước và thị trường thì vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Đặc biệt, kinh tế nhà nước luôn luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của một đất nước. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hiểu sao cho đúng.
Nội hàm kinh tế nhà nước trong Hiến pháp của ta không đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận thôi, còn kinh tế nhà nước ở đây bao gồm rộng hơn, kể cả từ chính sách cho đến nguồn lực của quốc gia.
Còn vấn đề có ghi thêm từ “chủ đạo” để tăng thêm trách nhiệm của nhà nước, nếu như không ghi vào thì bản thân nhà nước vẫn giữ vai trò đó. Khi đã ghi vào như thế, bản thân anh không làm tốt thì theo quy luật cạnh tranh và đào thải thì hậu quả cuối cùng sẽ diễn ra một cách khách quan.
Tóm lại điều đó không cản trở bởi vì sau điều 50, 51, điều tiếp theo quy định các thành phần kinh tế đều là những bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước và đều bình đẳng với nhau. Tức là đã nói đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau, dựa trên cơ sở 3 bình đẳng: địa vị, cơ hội và bảo hộ.
Trong nghị quyết văn kiện Đại hội XI, đặc biệt trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 2 khi cho chủ trương về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp cũng xác định rõ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Như vậy kể cả kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được xác định có vị trí nhất định, có nghĩa chủ trương của Đảng cũng xác định vị trí của từng thành phần kinh tế rồi. Trong nghiên cứu khoa học của chúng tôi về cơ sở lý luận thực tiễn về sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi có đề xuất một phương án về sửa đổi Hiến pháp. Điều liên quan đến điểm này ghi là kinh tế nhà nước là chủ đạo nhưng cách viết nhẹ đi, ẩn trong đó thể hiện sự bình đẳng giữa các nền kinh tế. Đó chỉ là cách thể hiện thôi. Ý kiến của chúng tôi chỉ là một, còn quyền quyết là của đại biểu Quốc hội.
Liên quan tới Chương chính quyền địa phương, quan điểm của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn giữa quan điểm, ở đâu có chính quyền ở đó có HĐND. Điều này phải chăng đang phủ nhận việc chúng ta thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường?
Đã gọi là thí điểm thì có thể theo hướng này hoặc hướng khác. Nếu thí điểm tốt sẽ trở thành phổ biến, được ghi nhận còn nếu không thuận thì thôi. Trong quá trình làm thí điểm, chúng tôi có đề tài nghiên cứu và có khảo sát.
Đến gây giờ cho thấy, kết quả của chúng tôi là tương đối khách quan so với những con số khác, ở chỗ ngay từ đầu tôi đã đưa ra rồi, đó là ý kiến muốn đồng thuận theo hướng không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì tỷ lệ là khoảng trên 40% và ý kiến đó phải bỏ, tức ý kiến nói phải bỏ và giữ nguyên cũng chỉ trên 40% thôi. Chúng tôi lấy ý kiến của những nơi thí điểm và cả những nơi không thí điểm. Điều đó thấy rằng tiêu chí, ranh giới để khẳng định hiệu quả hoạt động của HĐND dưới địa phương là chưa rõ ràng.
Hiệu quả còn hạn chế, hình thức lại vì chúng ta cứ tạo cho nó đầy đủ điều kiện để nó hoạt động. Vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm ở đây là quyền lực nhưng tác động là chủ quyền nhân dân, mà Hiến pháp sửa đổi lần này đề cao vai trò chủ quyền nhân dân, quyền lực nhân dân thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ sở hữu cao nhất, duy nhất quyền lực nhà nước, là chủ thể để xây dựng Hiến pháp.
Vì thế thực hiện quyền lực đó bằng cách dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. Vấn đề dân chủ thông qua HĐND, đại biểu Quốc hội là trực tiếp, dân chủ đại diện. Người ta nói rằng, có dân chủ đại diện mới có Hiến pháp, bởi vì Hiến pháp là công cụ, phương tiện, hình thức mà người dân đưa ra một khế ước để khẳng định bằng cách nào mình được thực hiện quyền dân chủ đại diện.
Việc tổ chức HĐND mà đại biểu Quốc hội yêu cầu – đã gọi chính quyền là phải đầy đủ, nơi nào có UBND thì phải có HĐND. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng, phải hiểu cho đúng, chính quyền địa phương không có nghĩa là bằng HĐND và UBND. Chúng ta có thể có một mô hình, ở đó không có HĐND, cũng không phải UBND, mà ở đó có cơ quan hành chính chịu trách nhiệm quản lý. Còn mô hình đó như thế nào thì Hiến pháp sửa đổi đã quy định xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng nơi, từng đơn vị hành chính. Nếu đơn vị hành chính là một đặc khu về hành chính kinh tế đặc biệt, hải đảo chẳng hạn, thì có thể tổ chức chính quyền hai cấp, và như thế có những nơi không nhất thiết phải có đầy đủ cả hội đồng và ủy ban.
Bản Hiến pháp sửa đổi này đã đủ để các đại biểu có thể ấn nút thông qua chưa, thưa ông?
Là một trong những người trực tiếp giúp Ban sửa đổi trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và từng đại biểu Quốc hội thông qua các kỳ họp, tôi nhận thấy đến giờ phút này đã đủ điều kiện để thông qua. Từ những nội dung, cũng như mặt hình thức đã được chỉnh sửa nghiêm túc.
Theo ông, khi Hiến pháp lần này được được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào đối sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Theo nhận xét của tôi, đến giờ phút này, đây là một bản Hiến pháp mới, trong đó phần nội hàm mang nhiều vấn đề mới. Điều đó đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của việc sửa đổi, do đó chắc chắn sẽ quan trọng trong sự phát triển của đất nước, trong đó có quyền con người – mà đây là quyền quan trọng nhất, khi đã được phát huy sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!