HĐND TP Hà Nội nói gì về đề án chống ùn tắc tốn 2.200 tỷ đồng?
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội (HĐND) khoản kinh phí gần 2.200 tỷ đồng để giải quyết 40 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020.
Theo đó, để giải quyết 40 điểm ùn tắc giao thông, thành phố dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 sẽ chi khoản kinh phí khoảng gần 2.200 tỷ đồng để cải tạo 50 tuyến đường, nút giao thông và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu; lắp đặt 4 cầu thép, 10 cầu dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; tiếp tục xây cầu vượt và cầu đi bộ.
Ngoài các dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện hành khách công cộng cho người dân; tổ chức quản lý và điều hành giao thông ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng; lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tiếp tục thực hiện các dự án có vai trò giảm ùn tắc giao thông, tai nạn chưa được bố trí vốn.
Cảnh ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
“Mục tiêu là nhằm giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hằng năm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) trên địa bàn thành phố”, UBND Hà Nội nêu rõ.
Cần phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến ùn tắc tại các điểm
Trước đề xuất của UBND TP, tại báo cáo thẩm tra trình HĐND Hà Nội, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam yêu cầu cần phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến còn tồn tại 51 điểm ùn tắc hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi cho từng điểm, cụm điểm để đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình là giảm 40 điểm ùn tắc.
Đối với những điểm ùn tắc chỉ thuần túy do lưu lượng tham gia giao thông lớn, chỉ sử dụng biện pháp tăng cường người điều tiết giao thông thì đề nghị loại khỏi danh sách; đồng thời có cập nhật, bổ sung dự kiến những điểm sẽ phát sinh ùn tắc mới.
“TP cũng phải cụ thể hóa chỉ tiêu “không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài” để đảm bảo tính khả thi của chương trình khi thực hiện và thuận lợi cho công tác đánh giá, giám sát của HNĐN sau này”, ông Nam nhấn mạnh.
Về giải pháp thực hiện, HĐND TP Hà Nội yêu cầu, cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém, kết hợp với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm theo kế hoạch của thành phố nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Quan tâm thực hiện việc khớp nối hạ tầng giữa các trục, các tuyến, các điểm nút giao thông để phát huy được hiệu quả cao nhất đối với các hạ tầng giao thông sẵn có, khắc phục ùn tắc.
Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, chương trình mục tiêu chỉ phát huy hiệu quả khi chính quyền, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý việc lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh dịch vụ, gây ùn tắc.
“UBND thanh phố cần có giải pháp phù hợp để kiểm soát chặt chẽ việc tăng dân số cơ học, trước mắt hạn chế điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng các dự án, công trình nhà ở cao tầng trong phạm vi từ đường vành đai 3 vào trung tâm. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ sau khi thực hiện lộ trình di dời trụ sở các cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô thì bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên đầu tư cho hạ tầng xã hội, công viên, cây xanh, không cấp phép thành dự án nhà ở theo đúng quy định của Luật Thủ đô”, ông Nam nêu quan điểm.