HĐND các cấp khóa tới sẽ tăng gần 22.000 đại biểu
Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay, chế độ tiền lương, phụ cấp của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện theo quy định tại Nghị quyết ngày 30/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành toà án, ngành kiểm sát và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Nghị định ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Đối với chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định tại Nghị định ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tăng thêm gần 22.000 đại biểu HĐND các cấp. (Ảnh minh họa) |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong quá trình thực hiện, chế độ tiền lương và phụ cấp đối với đại biểu Hội đồng nhân dân nêu trên đã được điều chỉnh đồng bộ với việc điều chỉnh tiền lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức.
Đề cập đến mức tiền phí hoạt động của các đại biểu HĐND các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mức phí này đã được điều chỉnh tăng theo mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) từ 290.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng, tăng thêm 296,5% (ngân sách nhà nước chi tiền hoạt động phí năm 2015 là 1.292,6 tỉ đồng cho 302.648 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã).
“Nhìn chung, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều ý kiến của các địa phương đề nghị cần xem xét, nghiên cứu quy định chế độ tiền công lao động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân mà những đại biểu này không thuộc đối tượng hưởng lương; điều chỉnh tăng mức hoạt động phí (tăng hệ số hoạt động phí so với mức lương cơ sở) đối với đại biểu Hội đồng nhân dân; bổ sung quy định về chi hỗ trợ hoạt động đối với đại biểu Hội đồng nhân dân…do đó việc điều chỉnh là cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.
Từ nhận định trên, đại diện Chính phủ đề nghị đối với chế độ, chính sách của đại biểu Hội đồng nhân dân với các trường hợp là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, cụ thể như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 0,12 mức lương cơ sở/ngày; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 0,14 mức lương cơ sở/ngày; Đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thành lập tương đương với cấp tỉnh hoặc cấp huyện thì được hưởng tiền công lao động tương ứng với cấp đó.
Đối với hoạt động phí: Đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng theo mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể như sau: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở; Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở…
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, dự kiến tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khoảng 324.551 đại biểu (tăng 21.903 đại biểu so với nhiệm kỳ 2011 - 2016 do tổ chức lại Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường của 10 tỉnh, thành phố và do tăng dân số), trong đó có 3.842 đại biểu cấp tỉnh, 25.140 đại biểu cấp huyện và 295.569 đại biểu cấp xã. Dự toán ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phí của 324.551 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 khoảng 1.461,4 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng).
Trước tờ trình của Chính phủ, trình bày báo cáo thẩm tra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương hoặc chế độ trợ cấp hàng tháng từ NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng, việc trả tiền công lao động đối với những ngày thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND cho đại biểu HĐND không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương hoặc chế độ trợ cấp hàng tháng từ NSNN là hợp lý và công bằng.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban tán thành với phương án 1 của Chính phủ: bổ sung chế độ đối với đại biểu HĐND ở cấp tỉnh, huyện, xã, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ NSNN hoặc từ quỹ BHXH).
Đối với hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp, Chính phủ trình 2 phương án về hoạt động phí đối với đại biểu HĐND các cấp. Trong đó Phương án 1: giữ nguyên như hiện hành; Phương án 2: tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp (thành 0,4; 0,5, 0,6 mức lương cơ sở tương ứng với cấp xã, huyện, tỉnh).
Về vấn đề này bà Nga cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS tán thành phương án 2 của Chính phủ vì cho rằng, mức hoạt động phí hiện hành đối với đại biểu HĐND còn thấp. Ngoài ra, do chế độ đã được ban hành hơn 10 năm nên mức hoạt động phí này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, chưa thực sự khuyến khích đại biểu HĐND hoạt động tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Nga, có ý kiến cho rằng, mức hoạt động phí đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm có thể giữ nguyên như quy định hiện hành; trường hợp mức tăng hoạt động phí thêm 0,1 mức lương cơ sở chỉ nên áp dụng đối với đại biểu HĐND chuyên trách vì những lý do sau: Với diện áp dụng này thì NSNN tăng thấp hơn con số 168.804 triệu đồng như đề xuất của Chính phủ...
Sau khi thảo luận, với sự tán thành 100%, Ủy ban thường vụ đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Qua đó bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, tức là vẫn giữ nguyên như 10 năm trước đây.