Hành trình gian nan đòi nợ bằng “thi hành án dân sự”
Hành trình gian nan đòi nợ bằng “thi hành án dân sự”
Từ hợp đồng mua tàu thành “món nợ khó đòi”
Vừa qua, Báo điện tử Infonet đã nhận được đơn kêu cứu của tập thể cổ đông, người lao động tại Công ty Cổ phần Vận tải biển Trường Xuân (Cty Trường Xuân) có trụ sở tại Số 219 Khu 8 Thị trấn Diêm Điền – Thái Thụy- Thái Bình "tố" Công ty CP CNTT Hải Dương (Khu 10 Phường Ngọc Châu- Tp Hải Dương) chiếm dụng không chịu trả số tiền gần 6 tỉ đồng, khiến công ty Trường Xuân và người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Sự việc kéo dài đã 5 năm, trải qua nhiều lần giải quyết trong đó có quyết định giải quyết của tòa và quyết định thi hành án nhưng Công ty CP CNTT Hải Dương (Công ty Hải Dương) vẫn chây ì chưa chịu trả.
Ông Vũ Đức Then, Giám đốc Công ty Trường Xuân, người được ủy quyền đòi nợ |
Sự việc bắt đầu từ Hợp đồng số 234/HĐKT ngày 26/9/2007 giữa Công ty Hải Dương và Công ty Trường Xuân. Theo đó, Công ty Trường Xuân đặt đóng mới một tàu thủy 2.000 tấn với giá hơn 14 tỉ đồng. Đến tháng 4 năm 2008, công ty Trường Xuân đã thanh toán cho Công ty Hải Dương tổng cộng 7,7 tỉ đồng. Nhưng do, phía Công ty Hải Dương chậm tiến độ không thực hiện hợp đồng, công ty Trường Xuân đòi hủy hợp đồng yêu cầu Công ty Hải Dương hoàn trả tiền. Đến tháng 2/2010 Công ty Hải Dương đã chuyển trả nhiều đợt nhỏ giọt với tổng cộng 4,5 tỉ đồng. Số tiền theo dư nợ còn 3,2 tỉ đồng.
Sau đó, Công ty Trường Xuân đã nhiều lần đòi nợ nhưng vẫn không được, cực chẳng đã Công ty Trường Xuân phải đệ đơn lên TAND TP. Hải Dương- Tỉnh Hải Dương kiện đòi nợ và đòi những chi phí phát sinh do hợp đồng không thực hiện, phạt hợp đồng. Sau một thời gian thụ lý, Tòa án đã tiến hành hòa giải thành công và ra Quyết định số 05/2010/QDST-KDTM ngày 30/09/2010 công nhận việc này. Theo Quyết định này, Công ty Hải Dương sẽ phải trả Công ty Trường Xuân số tiền là hơn 5 tỉ đồng. Trong quyết định ghi rõ, nếu Công ty Hải Dương chậm trả thời gian tính lãi suất bắt đầu tính từ ngày người được thi hành án có yêu cầu.
Tưởng có bản án trong tay Công ty Trường Xuân được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng đáng buồn thay, từ ngày có quyết định của Tòa án, Công ty Hải Dương tiếp tục chây ì không chịu trả nợ. Khiến công ty Trường Xuân lâm vào cảnh khó khăn. Dự án chinh phục biển lớn chở hàng của công ty lâm vào khó khăn. Những khoản vay ngân hàng để ứng trước mua tàu ngày càng đè nặng lên vai cổ đông. Hàng tháng công ty Trường Xuân vẫn phải “gồng” lên trả theo lãi suất đầu ra để cho Công ty Hải Dương “vay ưu đãi” bằng lãi suất huy động vốn đầu vào của ngân hàng(!).
Éo le thi hành án dân sự
Ngay khi có quyết định tại tòa án, công ty Trường Xuân đã gửi đơn đến Chi Cục Thi hành án Dân sự TP. Hải Dương. Ngày 05/11/2010, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự Tp Hải Dương, Phạm Quang Hạo đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 7 tháng, quyết định đó vẫn chỉ nằm trên giấy chưa được thực thi.
Ngay sau đó, Công ty Trường Xuân đã gửi 2 văn bản đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam- Vinashin, Tổng công ty CNTT Bạch Đằng (Công ty mẹ có vốn trực tiếp tại Công ty Hải Dương), nhưng câu trả lời vẫn là: “Công ty Hải Dương là pháp nhân độc lập nên phải tự chịu trách nhiệm về việc ký kết và thực hiện hợp dồng và quyết định thi hành án”. Tổng công ty CNTT Bạch Đằng còn viện ra những khó khăn của công ty CNTT Hải Dương và cho biết: “Hiện Công ty Hải Dương đang xây dựng phương án khôi phục hoạt động tàu Vinashin Orient, khi tàu đi vào hoạt động có nguồn thu, Tổng công ty sẽ chỉ đạo trả nợ.” Theo ông Vũ Đức Then, Giám đốc công ty Trường Xuân, thì ngày đó xa vời lắm, khi đó công ty ông đã phá sản mất rồi.
Theo một số chuyên gia pháp luật, điểm bất hợp lý của việc thi hành án dân sự hiện nay chính là người được thi hành án phải tự mình xác định người phải thi hành có đủ điều kiện thi hành án hay không. Nhưng việc xem xét, thúc đẩy thi hành án lại là quyền của chấp hành viên thi hành án dân sự. Trong trường hợp này, nếu xét về điều kiện thi hành án thì công ty Hải Dương đang hoạt động bình thường và có doanh thu, có đơn hàng. Bằng chứng là tháng 2/2011, trên trang web của Tổng công ty CNTT Bạch Đằng đăng thông tin về Công ty Hải Dương đồng loạt đóng mới và sửa chữa tàu. Nhưng không hiểu vì lý do gì, việc đòi tiền kéo dài gần 5 năm, đã có quyết định thi hành án 7 tháng mà công lý vẫn chưa được thực thi?
Trang web của Tổng cty CNTT Bạch Đằng đăng tải về hoạt động của Công ty CNTT Hải Dương |
Thành Nhân