Hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài nguy cơ mất quốc tịch
ĐBQH lo ngại hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài có nguy cơ mất quốc tịch sau ngày 1/7 |
Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 5 năm Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 có hiệu lực mới có hơn 6.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký quốc tịch Việt Nam. Trong đó chỉ khoảng 1.000 hồ sơ có thể xem cấp quốc tịch Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cho rằng việc còn quốc tịch Việt Nam là đương nhiên mà không ai có thể tự nhiên bị tước quốc tịch trái với Hiến pháp.
Thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam chiều 17/6, nhiều ĐBQH quan ngại trước việc hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài có nguy cơ mất quốc tịch.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng tình phải sửa Khoản 2, Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 để tránh hệ quả xấu đến ngày 1/7 này sẽ có hàng triệu kiều bào mất quốc tịch.
Ông Xuyền cho biết: “Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được một số ý kiến băn khoăn, lo lắng về người thân, con em mình đang làm ăn ở nước ngoài sau 1/7 này có thể sẽ bị mất quốc tịch. Họ đề nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi Luật quốc tịch ngay trong kỳ họp này”. Qua đó, nên bãi bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 vì người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, nhân tố quan trọng góp phần vào tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới.
“Nhà nước phải có trách nhiệm thoả thuận với các nước để đồng bào ổn định cuộc sống, bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” - ông Xuyền nói.
ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) cũng đề nghị sửa đổi điều 13 của Luật quốc tịch theo hướng bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Nếu giữ thời hạn nhiều khả năng sẽ trở lại tình trạng như thế này sau 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm. “Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 nếu không sửa kịp thời trước ngày 1/7/2014, nghĩa là 5 năm sau khi luật có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt là có nguy cơ trở thành người không có quốc tịch trên trái đất này”.
ĐB Thông đề nghị Quốc hội cho phép Luật quốc tịch sửa đổi có hiệu lực kể từ khi công bố, nghĩa là trước ngày 1/7/2014.
Cùng chung tiếng nói, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) cũng đề nghị bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. “Hàng triệu người Việt Nam với những lý do khác nhau đang sống ở khắp năm châu, làm cho chúng ta gắn kết nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một phần máu thịt của Việt Nam”.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Luật này đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận rất kỹ vào chiều ngày 6/6/2014 tại các tổ. Hầu hết các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành, nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Điều 13 và Khoản 3, Điều 26 của Dự án luật để bảo đảm thực hiện quyền công dân có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Trên tinh thần đó, ông Lưu cho biết sẽ đề nghị với cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo luật Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật quốc tịch để trình Quốc hội thông qua trong phiên họp tới.