Hàng chục nghìn lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan
Trả lời câu hỏi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn cũng ở mức cao tại tin tại tọa đàm “Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài” chiều 14/11, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn là vấn nạn làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam.
Thời gian tới, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) sẽ thắt chặt hơn việc tuyển chọn và đào tạo, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh. |
Theo bà Hà, Đài Loan là điểm “nóng” mà lao động Việt bỏ trốn hợp đồng ra ngoài. Nguyên nhân chính là cộng đồng người Việt ở Đài Loan khá lớn. Một số nguyên nhân khác được để cập tới là phí dịch vụ đi Đài Loan ban đầu cao. Hiện nay, có 226.000 người lao động người Việt lao động ở Đài Loan và có hơn 22.000 người bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Một phần nguyên nhân liên quan tới việc thu phí cao; điều kiện làm việc, nhiều trung tâm tuyển người làm việc thông qua trung gian nên không cụ thể, chi tiết về môi trường, điều kiện làm việc.
Chính vì vậy, gây ra tình trạng thất vọng khi người lao động tới làm việc và tìm cách trốn ra ngoài.
Bên cạnh đó, người lao động có cơ hội để kiếm việc làm khác với thu nhập tốt hơn nên đã bỏ trốn ra ngoài. Rất nhiều trường hợp bị bắt và bị trục xuất.
Bà Hà cho biết, thời gian tới sẽ thắt chặt hơn việc tuyển chọn và đào tạo, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh.
Tại thị trường Nhật Bản, bà Hà cho biết, lao động cũng bỏ trốn tăng về số lượng. Năm 2016, hơn 2.000 lao động bỏ trốn, năm 2018 lên gần 5.500 lao động bỏ ra ngoài và vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân người lao động bỏ trốn ra ngoài vì ở Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe. Bên cạnh đó, du học sinh của chúng ta đi học nhưng trá hình, thực chất là đi làm qua nhiều hình thức khác.
Cũng theo bà Hà, theo quy định có 4 hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Làm việc ở nước ngoài thông qua hợp đồng các công ty dịch vu; hợp đồng cá nhân; các doanh nghiệp trúng thầu dự án ở nước ngoài và doanh nghiệp đưa lao động đi và đi theo diện đào tạo nghề.
Hàng năm, có hơn 100.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo 4 hình thức này. Riêng năm 2018 có hơn 146.000 người. Trong đó, những năm gần đây số lao động ở Nhật Bản tăng lên rõ rệt, vượt qua lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) là 65.000 người. Thị phần lao động Đài Loan được đánh giá là một trong những thị trường có người lao động Việt Nam cao nhất.
Tuy nhiên, từ năm 2018, mặc dù tỉ lệ không giảm nhưng số lượng giảm hơn một chút. Nguyên nhân là do chính sách lao động ở Đài Loan có thể gia hạn lao động nếu hiệu quả công việc tốt.
Tại thị trường lao động Hàn Quốc, bà Hà cho biết những năm trở lại đây, số lượng lao động bỏ việc tăng lên rõ rệt. Vì vậy, số lượng lao động mới 3 năm trở lại đây giảm chỉ còn khoảng 5.000 người. Đặc biệt, với loại hình lao động thời vụ 3 tháng tại Hàn Quốc cũng khá thu hút.
“Một số thị trường có điểm sáng trong thời gian gần đây là châu Âu: Rumani, Ba Lan… người lao động ở tầm trung bình có thể tham gia. Mặc dù, số lượng lao động chỉ vài nghìn nhưng chúng tôi đang lựa chọn thí điểm với các thị trường này. Đặc biệt, chúng tôi rất thận trọng, để phòng tránh tình trạng bỏ hợp đồng ra ngoài làm ảnh hưởng tới thị trường lao động đầy tiềm năng này”, bà Hà thông tin thêm.