Hải quan được phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ
Luật Hải quan sửa đổi cho phép lực lượng hải quan được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyên trái phép hàng hóa qua biên giới (Ảnh minh họa) |
Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi được Quốc hội thông qua sáng 23/6 với tỷ lệ tán thành 91,16%.
Điểm đáng chú ý nhất là điều 92: Trang bị và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Điều 92 nêu rõ: Cơ quan hải quan, công chức hải quan được trang bị, sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, cờ hiệu, pháo hiệu, đèn hiệu, thiết bị quan sát, soi chiếu, công nghệ sinh hoá, thiết bị cơ khí, điện, điện tử và các phương tiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
“Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan, công chức hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp lực lượng, hỗ trợ phương tiện, cung cấp thông tin; nếu phương tiện được hỗ trợ bị thiệt hại thì cơ quan hải quan phải bồi thường theo quy định của pháp luật” – Luật Hải quan do Chủ tịch Quốc hội ký ban hành nêu rõ.
Trước đó trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan sửa đổi cũng đề cập đến nội dung trên. Góp ý dự thảo, có ý kiến cho rằng việc trang bị và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ liên quan đến bảo đảm về quyền con người, quyền công dân. ĐB đề nghị tách nội dung này để quy định riêng. Ý kiến khác đề nghị quy định khái quát theo hướng các trang thiết bị, phương tiện này được sử dụng cho lực lượng hải quan khi làm nhiệm vụ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng khoản 1 điều 92 đã xác định rõ: “Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Vì vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định lại nội dung này trong Luật Hải quan để tránh chồng chéo, trùng lặp.
Luật Hải quan sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 104 điều, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015.